Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Vấn đề giao thông vận tải của nước ta trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp

1.       MỞ ĐẦU
   Lý do chọn đề tài
Ngày 31-8-1858, liên quân Pháp vè Tây Ban Nha dàn trận tại cửa biển Đà Nẵng và sáng ngày 1-9, chúng nổ súng và đổ bổ lên bán đảo Sơn Trà, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng lần lượt chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rồi đem quân ra chiếm Bắc kỳ. Triều đình nhà Huế buộc phải kí các hiệp ước vào các năm 1862, 1874, 1883, 1884, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn đất nước. Mục đích đầu tiên và tối thượng của thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung là biến nơi đây thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và là nơi cung cấp nguyên-nhiên liệu và tài chính cho nước Pháp. Vì vậy, sau khi đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa Cần Vương năm 1896 của nhân dân ta, mặc cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn tồn tại đến năm 1913, nhưng thực dân Pháp vẫn cho rằng công cuộc chinh phục và bình định của chúng đã hoàn thành. Vì thế, trung tuần tháng 2/1897, chính phủ Pháp b nhiệm Pôn Đume (Paul Dumer) – một tên thực dân có năng lực sang làm Toàn quyền Đông Dương. Y đã vạch ra một kế hoạch khai thác bóc lột tương đối có quy mô ở Đông Đương mà chủ yếu là Việt Nam , được gọi là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, kéo dài đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra (1914-1918). Chương trình khai thác thể hiện dã tâm của thực dân Pháp trong việc xiết chặt ách thống trị của chúng đối với nhân dân Việt Nam, kìm hãm nhân dân ta để dễ bề cai trị. Quá trình thực hiện các mục tiêu chương trình khai thác cũng là quá trình bần cùng hóa nhân dân ta về kinh tế, áp bức về chính trị và nô dịch về văn hóa.
Đường lối mà người Pháp quy định cho toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 là: “thuộc địa Đông Dương phải đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Nền sản xuất ở thuộc địa này cỉ được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc những nguyên liệu hay những vật phẩm mà nước Pháp không có. Công nghiệp nếu cần được khuyến hích thì cũng chỉ trong giới hạn bổ sung chứ không được làm tổn hại đến nền công nghiệp chính quốc.”[5, 332]
Cùng với công nghiệp khai mỏ, đặc biệt là mỏ than thì giao thông ận tải cũng là một trọng tâm của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất mà thực dân Pháp tiến hành ở nước ta. Chính sách kinh tế của Pháp đối với ngành giao thông vận tải ở nước ta đã làm cho hệ thống giao thông Việt Nam đầu thế kỷ XX có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, mục đích của thực dân Pháp phát triển hệ thống giao thông vận tải không phải để phục vụ cho nhân dân Việt Nam mà nhm đáo ứng những lợi ích riêng của chúng.
Vì vậy, đề tài của bài này là “Sự chuyển biến của hệ thống giao thông Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1896 – 1914), đi sâu vào vấn đề giao thông vạn tải nước ta.
1.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến vấn đề khai thác thuộc địa của Pháp ở Việt Nam nói chung và giao thông vận tải nói riêng như:
-            Trương Hữu Quýnh (CB), “Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II”, Nxb Giáo dục, H., 2005.
-            Trần Bá Đệ, “Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2008.
-            Lê Nguyễn, “Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc”, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2005.
-            Nguyễn Văn Khánh, “Cơ cấu kinh tế – xã hội Việt Nam thời thuộc dại (1858 – 1945)”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2000.
-            GS. Lương Ninh (CB), “Lịch sử Việt Nam giản yếu”, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2005.
-            Đặng Duy Phúc, “Giản yếu sử Việt Nam”, Nxb Thời đại, H., 2010.
-            Đỗ Đức Hùng, “Biên niên sử Việt Nam”, Nxb Thanh Niên, H., 2002.
-            Một số giáo trình về lịch sử Việt Nam cận đại, về kinh tế Việt Nam thời thuộc địa; nhiều bài viết, bài giảng trên internet có liên quan.
Tuy nhiên, các công trình, bài viết trên chưa phản ánh được đầy đủ những âm mưu và sự chuyển biến của bộ mặt giao thông vận tải ở nước ta. Vì vậy, đề tài này mong muốn làm rõ hơn chính sách của thực dân Pháp đối với giao thông vận tải và những chuyển biến của nó.
1.3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
     - Phạm vi nghiên cứu: vấn đề giao thông nước ta trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
- Đối tượng nghiên cứu: mục đích của thực dân Pháp đối với giao thông vận tải nước ta, tình hình xây dựng các tuyến đường giao thông vận tải nước ta trong giai đoạn này.
1.4. Mục đích nghiên cứu
- Làm rõ mục đích của thực dân Pháp khi tiến hành đầu tư, khai thác hệ thống giao thông vận tải ở Việt Nam.
- Những biến chuyển của hệ thống giao thông Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần một.
- Đưa ra một số nhận xét về chính sách đối với giao thông vận tải ở nước ta của thực dân Pháp
1.5.                        Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung gồm ba phần:
-            Mục đích của thực dân Pháp khi đầu tư, phát triển hệ thống giao thông vận tải của nước ta.
-            Những chuyển biến về giao thông vận tải nước ta.
-            Nhận xét về vấn đề giao thông vận tải nước ta trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
2.       NỘI DUNG
2.1.                        Mục đích của thực dân Pháp trong việc phát triển hệ thông giao thông vận tải
Cùng với ngành khai mỏ thì một trọng tâm nữa trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam là mở mang giao thông, xây dựng đường sá. Mục đích xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp vì lợi ích kinh tế, vì lợi nhuận để xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của chúng, để tăng cường vơ vét nguyên-nhiên liệu với số lượng vô tận từ đất đai và lòng đất của nước ta.
 Vì vậy, khi đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải, trước hết phải nhằm đáp ứng mục đích về kinh tế của thực dân Pháp. Cho đến khi Pháp xâm lược, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn rất lc hậu, phương tiện tham gia giao thông nhanh nhất là ngựa theo từng trạm. Đường sá hầu như chưa được xây dựng, giao thông giữa các vùng, miền còn nhiều hạn chế. Chương trình khai thác của Pôn Đume đã đặt kế hoạch tăng cường hệ thóng giao thông phục vụ cho mục đích kinh tế của chúng. Thực dân pháp phát triển hệ thống giao thông nhằm nối liền các khu vực khai thác với đô thị, tỏa ra khắp các các nông thôn phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa và nguyên liệu từ nới khai thác về nơi tiêu thụ. Phát triển giao thông vận tải để tiện cho việc vơ vét nguyên-nhiên liệu, tài nguyên của nước ta đem về chính quốc, biến Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chúng thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm do các hãng buôn từ pháp đưa sang, nhằm thu những món lợi nhuận khổng lồ.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển giao thông phục vụ cho mục đích kinh tế, thực dân Pháp còn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị và quân sự. Thực dân pháp từ khi nổ súng xâm lược nước ta cho đến khi chúng tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất dã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân ta. Các cuộc nổi dậy ở khắp nơi, không những ở đô thị mà cả nông thôn, miền xuôi lẫn miền ngược. Trước sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Để có thể điều động quân lính và vận chuyển lương thực, vũ khí nhanh chóng để đàn áp các cuộc nổi dậy, dìm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể máu, thực dân pháp bắt buộc phải đầu tư một lượng vốn khá lớn để phát triển giao thông, mở mang đường sá.
2.2.                        Sự chuyển biến về giao thông vận tải ở Việt Nam
So với trước đây, hệ thống giao thông vận tải ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân pháp đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều tuyến giao thông mới được đưa vào xây dựng và khai thác, góp phần tạo nên một mạng lưới giao thông giao thông đồng bộ, hiện đại và hết sức tiện lợi so với trước đây.
2.2.1 Đường sắt
Cuối thế kỷ XIX xuất hiện một loại đường giao thông và phương tiện giao thông hoàn toàn mới là đường sắt và tàu hòa. Đây là hệ thóng giao thông hiện đại, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Mở mang đường sắt là một việc được giới tư bản Pháp ưu tiên hàng đầu để chuyên chở hàng hóa, nguyên liệu. Đó cũng là phương tiện để chúng mau chóng đưa quân tới đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân ta ở những noi cần thiết.
Trước kế hoạch khai thác thuộc địa của Đume, một tuyến đường sắt đã được xây dựng là tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho. Tuyến đường này được hoạch định từ năm 1880 đến năm 1885 thì bắt đầu khai thác, với chiều dài 71 km, rộng 1 m, chi phí hết 11 triệu Fr. Đến năm 1890, trong điều kiện phải lo đối phó với phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta tại nhiều địa phương và gặp nhiều khó khăn trong việc bình định phía Bắc đến biên giới Quảng Tây, thực dân pháp vẫn xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên trên đất Bắc kỳ là tuyến Hà Nội – Đồng Đăng. Tuyến đường này mãi đến năm 1902 mi chính thức được đưa vào khai thác, với chiều dài 163 km, tổng chi phí hết 41 triệu Fr, trung bình tốn 245.000 Fr/km.
Nghị định ngày 25/12/1898 cho phép toàn quyền mở công trái 200 triệu Fr để tiến hành việc thiết lập đường sắt trong xứ. Bọn tư bản kĩ nghệ Pháp bán được nhiều thiết bị đường sắt với giá cao, kể cả những thứ hàng thừa ế của chúng, tránh được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1900 – 1903, trong khi nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, nhất là ngành luyện kim bị thiệt hại nặng.
Từ kế hoạch  Đume, các tuyến đường sắt chủ yếu được xây dựng:
Tuyến Hà Nội – Hải Phòng, khởi công xây dựng năm 1901, hoàn thành năm 1902, dài 102 km, tốn phí 20 triệu Fr.
Tuyến Hà Nội – Lào Cai bắt đầu khởi công từ năm 1901 đến năm 1906 mới hoàn thành, trải qua 3 giai đoạn xây dựng: đoạn từ Hà Nội – Việt Trì (1901 – 1903), Việt Trì – Yên Bái (1903 -1904), Yên Bái – Lào Cai (1904 – 1906). Toàn tuyến Hà Nội – Lào Cai dài 296 km, tốn phí 56 triệu Fr, trung bình 200.000 Fr/km.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Sài Gòn là tuyến đường sắt dài nhất Việt Nam và Đông Dương. Thời gian để xây dựng tuyến đường này mất 36 năm, trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất mới chỉ xây dựng xong 3 đoạn với tổng chiều dài cả 3 đoạn là 906 km và gần như được khởi công đồng thời: đoạn Hà Nội – Vinh (1900 – 1905), dài 312 km, tốn phí 43 triệu Fr, có tính chất sinh lợi tức khắc; đoạn Đông Hà – Tourane (nay là Đà nẵng), xây dựng trong những năm 1902 – 1906), dài 171 km, tốn phí 21 triệu Fr; đoạn Nha Trang – Sài Gòn (1901 – 1913), dài 425 km, tốn phí 69 triệu Fr. Thâm ý của Đume trong kế hoạch xây dựng tuyến dường sắt Hà Nội – Sài Gòn còn thể hiện ở chỗ y thực hiện hai đoạn đường sắt ngoài cùng để đặt những viên Toàn quyền kế nhiệm y trong tình huống không thể bỏ qua, mà phải tiếp tục xây dựng những đoạn đường sắt bên trong để nối liền chúng với nhau. Hoạt động trên các tuyến đường sắt là phương tiện giao thông hiện đại đó là tàu hỏa. Năm 1913, có 132 đầu máy với 327 toa xe khách và 1429 toa xe hàng hoạt động.
Tính đến năm 1912, hệ thống đường sắt ở Việt Nam được hình thành với tổng chiều dài 2.059 km. Tuy vậy tàu hỏa vẫn là một phương tiện đắt tiền và xa xỉ đối với đại bộ phận người dân Việt Nam. Lãi suất thu về từ việc kinh doanh đường sắt rất cao. Năm 1912, riêng tuyến đường Hải Phòng – Vân Nam đã đem lại cho tư bản Pháp số lãi là 2.140.561 Fr.
Như vậy, phần lớn chiều dài đường sắt, bao gồm các tuyến chính đều được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XX, trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914. Sự xuất hiện của hệ thống đường sắt là một nét mới, một bước tiến trong quá trình hiện đại hóa và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Việt Nam.
2.2.2. Đường bộ
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, đường sá Việt Nam được tu bổ do yêu cầu quân sự, những nơi cùng với đường bộ còn có đường thủy thì đường bộ chỉ là thứ yếu. Việc lưu thông trên bộ không đảm bảo, phương tiện giao thông chuyên chở bằng ngựa hoặc sức người khuân vác nên rất hạn chế. Cùng với đường sắt, hệ thống đường bộ, nhất là những tuyến đường huyết mạch xuyên Việt đã được gấp rút đầu tư xây dựng.
Năm 1912, Toàn quyền Anbert Sarraut dự kiến xây dựng đường bộ có tổng chiều đài 30.000 km, gồm 13.000 km đường rải đá, 10.000 km đường dầm đất, 7.000 đường mòn.
Đường bộ được mở rộng đến những khu vực hầm mỏ, đồn điền, bến cảng và các vùng biên giới quan trọng. Ngoài trục đường xuyên Đông Dương được mở rộng, có nhiều đoạn rộng tới 6 m, thực dân Pháp đã xây dựng những đường hàng tỉnh dẫn tới những vùng biên giới xa xôi và cao nguyên hoang vắng: Sài Gòn – Tây Ninh tới biên giới Campuchia, Vinh – Sầm Nứa, Hà Nội – Cao Bằng… Tổng số đường hàng tỉnh xây dựng trong thời kỳ này lên tới 20.000 km, cùng với đó là 14.000 km đường dây điện thoại. Ô tô cũng được nhập vào, năm 1913, toàn Đông Dương có 350 xe, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội. Ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Sài Gòn, Pháp xây dựng hệ thống đường xe điện. Hà Nội đến năm 1904 có 23 km đường xe điện.
Để phối hợp và tạo điều kiện cho các tuyến đường sắt và đường bộ hoạt động, hàng trăm cây cầu kiên cố bằng sắt, bê tông cốt sắt (dài từ 100 m trở lên) cũng được xây dựng. Tiêu biểu trong thời kỳ này như các cầu Đò Lèn (160 m), cầu Hàm Rồng 200 m (Thanh Hóa), cầu Ròn 300 m (Quảng Bình), cầu Thạch Hãn 274m (Quảng Trị), cầu Đà Rằng 365 m (Tuy Hòa – Phú Yên), cầu Bến Lức 550 m (Long An), cầu Tân An 133 m (Long An), cầu Bình Lợi trên sông Bé. Dặc biệt đáng chú ý là hai cây cầu có quy mô lớn nhất được xây dựng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là cầu Long Biên ở Hà Nội (hay còn gọi là cầu P.Đume, cầu sông Cái) và cầu Tràng Tiền ở Huế. Cầu Long Biên được thực dân Pháp khởi công tháng 9/1898 bắc qua sông Hồng. Cầu dài 1680 m và 800 m đường lên cầu, gồm 19 nhịp, đặt trên 20 trụ, được làm chủ yếu bằng thép. Tháng 2/1902, cầu hoàn thành, tốn hơn 6 triệu Fr. Chiếc cầu này được xây dựng cùng thời điểm với tháp Épphen  ở Paris. Về chiều dài, cầu Long Biên xếp vị trí thứ ba trong số các cây cầu trên thế giới lúc đó.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta ở đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của hàng trăm cây cầu kiên cố bằng sắt, thép, xi măng là một cố gứng rất lớn, thể hiện trình độ kỹ thuật tiến tiến của người phương Tây trên đất nước ta. Nó góp phần  làm biến đổi hệ thống giao thông Việt Nam.
2.2.3. Đường thủy
Đường thủy là phương tiện giao thông chính của nước ta khi chưa có đường sắt, đường bộ còn nhiều hạn chế.. Khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược, chúng đã tập trung khai thác đường thủy. Công ty vận tải đường sông Nam kỳ thành lập từ năm 1881.
Sang đầu thế kỷ XX, hệ thống đường thủy (đường ven biển và đường sông) cũng được chú trọng khai thông mở rộng với nhiều phương tiện vận tải mới: canô, tàu thủy chạy bằng hới nước. Tuy nhiên, do công tác nạo vét, chỉnh dòng còn nhiều hạn chế nên tàu thủy và xà lan lớn chỉ hoạt động trên những dòng sông sâu và tương đối rộng như sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống ở miền Bắc; sông Mã, sông Cả, sông Lam, sông Hương ở miền Trung; sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Tiền Giang, sông Hậu Giang ở Nam bộ. Trên lãnh thổ miền Trung, phần lớn sông ngắn và hẹp nên đường thủy không phát triển bằng miền Bắc và miền Nam.
Hệ thống đường thủy ở Nam bộ được thực dân Pháp ưu tiên phát triển. Phần lớn vốn đầu tư cho đường thủy đều được giành cho thủy lợi và kênh rạch Nam kỳ. Để tạo điều kiện cho việc đi lại ở đây, Pháp đã cho đào thêm hàng ngàn km kênh rạch, đưa tổng số kênh đào ở miền Nam từ 2.500 km dưới thời Nguyễn lên 5.000 km thời Pháp thuộc, trong đó gần một nửa có chiều rộng từ 18 – 60 m. Từ năm 1893, Pháp đã cho tu bổ, khai khẩn thêm các kênh rạch mới: kênh Vĩnh Tế, kênh Cái Lớn – Cà Mau. Năm 1913, nạo vét được 120.000 m3 đất. Riêng ở Nam kỳ, đến năm 1914 có tới 1.745 km đường thủy có tàu chạy bằng hơi nước.[7,117]
Trong sự phát triển của đường thủy, các hải cảng dóng vị trí rất quan trọng. Hải cảng trở thành yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh tế. Từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đầu tư 8,2 triệu Fr để mở rộng các cảng cũ và xây dựng thêm các cảng mới như cảng Hải Phòng, Hồng Gai, Ba Ngòi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn và một số cảng nằm dọc bờ biển miền Trung như Bến Thủy, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang... Trong đó, quan trọng nhất là cảng Hải Phòng và Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn hình thành từ năm 1860, đến giai đoạn này được trang bị thêm nhiều phương tiện máy móc hiện đại, trở thành một thương cảng lớn nhất Đông Nam Á, thu hút nhiều tàu bè của Pháp và nhiều nước khác.
Cảng Hải Phòng là hải cảng đứng vị trí thứ hai về vận tải đường dài. Năm 1872, đây chỉ là một làng chài nhỏ. Năm 1873, thực dân pháp xâm lược Bắc kỳ, làng chài này trở thành một căn cứ tiếp tế cho quân đội viễn chinh Pháp. Các kho tàng chứa hàng hóa phát triển và và các bến tàu, kho hàng dần dần được xây dựng, các thiết bị cảng biển mở rộng và trở thành cửa ngõ thông thương của miền Bắc. Mặc dù có những nhược điểm như khó vào, bảo dưỡng đắt, dễ bị lấp bùn nhưng Hải Phòng vẫn là cảng lớn nhất của miền Bắc.
Đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động vận tải thủy ở Việt Nam đầu thế kỷ XX là Công ty Pháp Les Chargurs Réunis. Nhưng từ khi Chiến tranh thế giới I nổ ra, việc đi lại của các tàu thuyền Pháp gặp nhiều khó khăn. Năm lấy cơ hội đó, một số nhà tư sản Việt Nam đã tưng cường đầu tư mở rộng tuyến giao thông thủy, tiêu biểu là Nguyễn Hữu Thu và Bạch Thái Bưởi.
Sự xuất hiện của các hải cảng lớn lúc bấy giờ đã tạo điều kiện cho nước ta giao thương với bên ngoài mặc dù chịu sự chi phối của thực dân Pháp. Nhiều hải cảng được xây dựng từ thời Pháp thuộc vẫn tồn tài đến ngày nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với thế giới.
2.2.4.                Hệ thống thủy nông
Hệ thống thủy nông là vấn đề sống còn của kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Để nhằm phục vụ việc khai thác và phát triển kinh tế, hệ thống thủy nông cũng được đầu tư phát triển.
Do điều kiện địa hình khác nhau mà nhu cầu thủy nông ở mỗi miền khác nhau như tiêu nước cho những vùng thấp và tưới nước cho những vùng cao.
Tại Nam kỳ, sau khi chiếm được toàn bộ đất Nam kỳ, Pháp đã cho đào một số kênh mới. Từ năm 1905, chúng đào hàng trăm kênh lớn nhỏ với khối lượng đất gấp trăm lần giai đoạn trước. Công việc thủy nông cào, vét kênh rạch đã tăng diện tích gieo trồng lên rất nhanh, hàng năm diện tích tăng trung bình khoảng 80.000 ha. Diện tích gieo cấy tăng  kéo theo sự gia tăng dân số và lúa gạo làm gia tăng giá trị thặng dư của đất. Hệ thống thủy nông tác động mạnh đến kinh tế xã hội, thúc đẩy tốc độ phát triển. Công trình thủy nông đã tăng diện tích gieo cấy, những đất mới nhiều sức lao động và do đó kéo theo sự gia tăng và khối lượng lúa gạo xuất khẩu.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, công việc thủy nông là tưới nước vùng cao, tiêu nước vùng thấp. Có đến 25 công trình đập và nhà máy bơm được xây dựng như hệ thống tưới nước vùng cao Kép (1902- 1908), tưới cho 2.500 ha; hệ thống tưới nước Vĩnh Yên (1914 – 1922), tưới cho 16.000 ha... Ở vùng thấp, công việc thủy nông chủ yếu là đào, nạo vét, mở rộng mương nước, đắp đê phòng lụt. Toàn bộ công việc thủy nông ở Bắc kỳ chiếm 37,7 % chi phí thủy nông.
Ngoài chức năng chính là tưới, tiêu nước, hệ thống thủy nông còn là con đường giao thông thuận tiện cho phép đi sâu vào các vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, góp phần khai thác tiềm năng nông nghiệp Việt Nam có hiệu quả hơn.
Cùng với hệ thống đường thủy, đường bộ , đường sắt, hệ thống thủy nông đã góp phần dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp.
2.3. Nhận xét
2.3.1. Tích cực
Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa từ năm 1897 đến trước khi chiến tranh thế giới I nổ ra. Một trong những trọng tâm của cuộc khai thác là đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở xứ Đông Dương thuộc địa. Thực dân Pháp đầu tư phát triển giao thông ở cả 5 xứ, trong đó chủ yếu là ba xứ ở Việt Nam.
Trong việc phát triển hệ thống giao thông ở nước ta trong giai đoạn này, thực dân Pháp đã cho xây dựng ở nước ta loại hình giao thông hiện đại và mới, đó là đường sắt cùng với phương tiện chuyên chở là tàu hỏa, góp phần cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Đường bộ đã được đầu tư xây dựng và tu bổ lại, mở rộng lòng đường. Đường bộ nước ta trong cuộc khai thác này đã được rải đá và nhựa, cùng với đó là phương tiện giao thông đường bộ được đưa vào lưu thông. Việc đưa ô tô vận tải vào hoạt động đã góp phần thay thế dần phương tiện chuyên chở bàng ngựa hoặc sức người khuân vác. Các cây cầu bắc qua sông được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi và việc di chuyển từ bờ này sông sang bên bờ kia sông, nhanh hơn và an toàn hơn.
Về đường thủy, các con sông được nạo vét, chỉnh dòng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đia lại và chuyên chở hàng hóa trên sông nước, đặc biệt là việc đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy tiến bộ là canô và tàu thủy hạy bằng hơi nước. Các hải cảng đồng thời cũng được xây dựng và mở rộng, thu hút tàu háo các nước, đặc biệt là Pháp cập bến. Là cơ hội cho nước ta có điều kiện giao thương với các nước trên thế giới.
Hệ thống thủy nông ở cả ba miền được chú trọng phát triển, không chỉ đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước trong nông nghiệp mà còn là con đường giao thông thuận lợi để đi sâu khai thắc tiềm năng nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy nội bộ, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Ở nước ta, hệ thống giao thông đã nối liền đến các trọng điểm kinh tế, đồng thời nối liền đến các trọng điểm gắn liền với các vấn đề an ninh – chính trị.
Với sự đầu tư phát triển của thực dân Pháp, cơ sở hạ tầng Việt Nam từng bước được hoàn thiện và hiện đại hóa. Hệ thống đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường thuộc địa (quốc lộ) và đường hàng xứ (liên tỉnh) không ngừng được mở rộng và củng cố.
2.3.2. Hạn chế
Mục đích trước tiên mà Pháp đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở Việt là nhằm phục vụ cho những mục đích kinh tế và quân sự cho chúng chứ không phải nhằm phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam:
Mục đích kinh tế: khai thác tốt hơn tài nguyên khoáng sản Việt Nam, vận chuyển hàng hòa từ Pháp vào nước ta để biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Pháp.
Mục đích quân sự: nhanh chóng đưa quân đội đến đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta.
Thực dân Pháp đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở nước ta chỉ giới hạn ở một chừng mực nhất định, nhằm kìm hãm sự phát triển của nước ta.
Đối với dại bộ phận người dân nghèo Việt Nam, họ không thể tham gia giao thông bằng các phương tiện hiện đại như tàu hỏ, ô tô, xe điện. Nó chỉ đáp ứng nhu cầu cho tầng lớn trung và thượng lưu.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       
Trong khi hệ thống đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường thuộc địa và đường hàng xứ không ngừng được mở rộng và củng cố thì trái lại, mạng lưới đường liên huyện, liên xã và liên thôn vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. Điều đó đã khiến cho tinh hình nông nghiệp và xã hội nông thôn tiếp tục bị trì trệ kéo dài.
3.    KẾT LUẬN
Như vậy, cùng với công nghiệp khai thác mỏ, giao thông vận tải là những trọng điểm của chương trình khai thác thuộc địa. Mục đích của viêc phát triển hệ thống giao thông Việt Nam của Pháp nhừm đáp ứng yêu cầu về kinh tế và quân sự của chúng nhưng trong một chừng mặc nhất định đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của nước ta. Bộ mặt giao thông của nước ta có những bước phát triển mới. Hệ thống giao thông đường bộ hiện đại là đường sắt và các phương tiện tham gia giao thông mới như canô, tàu thủy chạy bằng hơi nước, tàu hỏa. Điều đó góp phần làm cho hệ thông giao thông vận tải nước ta dưới thời Pháp thuộc dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa.
Hệ thống đường sắt đường xây dựng khắp cả nước, đường bộ được tu bổ và mở rộng, các cây cầu kiên cố bằng sắt thép được xây dựng bắc qua sông, hệ thống cảng biển được xây dựng... đã góp phàn tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và giao lưu kinh tế, văn hóa. Tạo điều kiện hội nhập với thế giới.
Chính sách của thực dân Pháp đối với giao thông vận tải nước ta nói riêng và chính sách kinh tế trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở nước ta nói riêng đã nói lên bộ mặt thực dân phản động của chúng. Chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam của thực dân Pháp rõ ràng là một chính sách cướp bóc trắng trợn của chủ nghĩa đế quốc bằng phương pháp bóc lột tư bản chủ nghĩa kết hợp chặt chẽ với các hình thức bóc lột dã man thời trung cổ. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa này, Việt Nam từ một xã hội phong kiến thuần túy đã biến chuyển dần theo khuôn khổ của một nước thuộc dịa nửa phong kiến, trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.             Trần Bá Đệ, “Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2008.
2.             Đỗ Đức Hùng, “Biên niên sử Việt Nam”, Nxb Thanh Niên, H., 2002.
3.             Nguyễn Văn Khánh, “Cơ cấu kinh tế – xã hội Việt Nam thời thuộc dại (1858 – 1945)”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2000.
4.             Lê Nguyễn, “Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc”, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2005.
5.             GS. Lương Ninh (CB), “Lịch sử Việt Nam giản yếu”, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2005.
6.             Đặng Duy Phúc, “Giản yếu sử Việt Nam”, Nxb Thời đại, H., 2010.
7.             Trương Hữu Quýnh (CB), “Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II”, Nxb Giáo dục, H., 2005.


 BÀI VIẾT CỦA A BÉ HỢP TÁC VỚI MỘT NGƯỜI(????) CÙNG LỚP( BÀI TẬP LỚN A BÉ 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook