Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

cảm nhận về cuộc sống( cựu chiến binh Vương Khả Sơn -Kí ức chiến tranh )

CHIẾN TRANH VÀ QUAN NIỆM VỀ HẠNH PHÚC

Vương Khả Sơn là người lính đã tham gia cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Trở về sau hoà bình, thầy giáo – thương binh ấy đã ghi lại những ký ức của hiện thực chiến tranh dữ dội mà anh và đồng đội đã trải qua ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Giờ đây, cuộc chiến chỉ là trong ký ức nhưng nỗi đau về sự hy sinh mất mát của mỗi gia đình của mỗi cá nhân còn hiển hiện. Hơn ai hết, người lính ấy  nói về Hạnh phúc thuyết phục hơn tất cả mọi người. Đó là hạnh phúc lớn lao khi được cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hạnh phúc ấy cần phải được hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết. Nhất là trong thời điểm hiện nay… Văn nghệ Chủ nhật xin trân trọng giới thiệu những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả, nhà giáo – thương binh Vương Khả Sơn ( có 4 người con đều bị ảnh hưởng của chiến tranh và chất độc da cam) sau khi cuốn “ Ký ức chiến tranh” của anh vừa được NXB Thanh niên ấn hành, tiếp theo tủ sách “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi Hai mươi”). Câu hỏi của chúng tôi là:

Quan niệm của tác giả về hạnh phúc, mất mát, khổ đau. Điều anh muốn gửi gắm qua cuốn hồi ký đầy chất hiện thực này? Qua cuốn sách này, thông điệp anh muốn gửi đến độc giả hôm nay là gì?

Sau đây là ý kiến của Tác giả - Nhà giáo thương binh Vương Khả Sơn (hiện là Chuyên viên Văn của Sở GD& ĐT Hà Tĩnh:

1. Tôi nghĩ rằng khổ đau hay hạnh phúc cũng là  những quan niệm rất co giãn và uyển chuyển. Cái đó tuỳ thuộc vào nhận thức của mội người. Riêng tôi, một người như nhiều đồng đội khác, đã cầm súng đi qua chiến tranh, chúng tôi có nỗi đau và hạnh phúc riêng. Hạnh phúc, đó là được cầm súng chiến đấu giải phóng đất nước. Nỗi đau, đó là cá nhân mình phải hứng chịu những di chứng của chiến tranh. Nhưng tôi không quan niệm nỗi đau, sự tổn thất ấy là mất tất cả. Ngược lại, có khi nỗi đau lại là một hạnh phúc mà dễ gì ai cũng có được. Tôi nghĩ chẳng ai có thể trọn vẹn mọi thứ. Cũng như không có ai mất hết tất cả. Chúng tôi có thể mất đi một phần cơ thể, mất đi một phần tương lai của những đứa con mình. Nhưng bù lại, đất nước được độc lập tự do; chúng tôi được đồng cảm, sẻ chia . Và tôi cho đó là hạnh phúc. Còn một hạnh phúc khác là qua cuộc chiến ấy, chúng tôi có được một bản lĩnh, một ý chí để vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi trong đời thường. Theo tôi, đó là cái “được” rất lớn.
Thế hệ những người có hoàn cảnh như chúng tôi không phải là ít. Nhìn chung, thế hệ ấy đều chịu nhiều mất mát của chiến tranh. Không phảit tôi ‘lạc quan tếu” mà nhiều lúc tôi nghĩ: Thế hệ chúng tôi tự nguyện làm những viên đá lát đường cho bánh xe lịch sử lăn qua. Nếu không có những thế hệ cha anh chúng tôi và thế hệ chúng tôi đổ máu hy sinh thì làm saocó được ngày hôm nay. Tôi nghĩ đó cũng là một hạnh phúc. Còn việc chia sẻ, nhìn nhận vấn đề này sẽ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Đảng và nhân dân ta đã quan tâm đến những người lính như chúng tôi. Tuy vậy, hậu quả của chiến tranh còn quá nặng nề. Không dễ gì khắc phục được một cách dễ dàng trong khoảng thời gian ngắn được.
Tuy nhiên chúng tôi cũng có nỗi đau riêng. Đó là sự nhức nhối về thực trạng xã hội hiện nay, về các tệ nạn xã hội, về tham nhũng, về sự lãng quên quá sớm đối với quá khứ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Sự mơ hồ, dửng dưng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc. Đó là cái lỗi mà cha ông khó có thể tha thứ cho họ được.
Không ai mất tất cả cũng như không ai được tất cả. Mọi cái đều có giá của nó!
Hàng triệu người đã ngã xuống cho đất nước độc lập, tự do, cái được thật to lớn nhưng cái mất cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên cái mất lớn cho một mục đích lớn lại là một cái được. Điều này rất công bằng và biện chứng!
2.Tôi hoàn toàn không có ý định đem tác phẩm gửi tới Nhà xuất bản. Mà chỉ photocopy gửi bạn bè và đồng đội cũ (những ngừi còn sống sau chiến tranh). Tuy nhiên tôi cũng rất mừng vì NXB Thanh Niên đã đánh giá rất cao và khẩn trương xuất bản, kịp kỷ niệm 31 năm ngày Giải phóng miền Nam. Tự thân cuốn Hồi ký đó đã nói mọi điều suy nghĩ của tôi. Tuy nhiên tôi nghĩ, sau khi đọc các tác phẩm của anh Thạc, của chị Trâm và của tôi và của biết bao người lính khác nữa, chắc chắn độc giả, nhất là độc giả trẻ sẽ có cách nhìn và cách nghĩ khác đi về quá khứ cũng  như cuộc sống thực tại họ đang sống (cách nhìn tích cực). Tôi rất tin tưởng ở họ - vì họ là con, cháu của chúng ta - những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc và cuộc sống ngày hôm nay. Hơn nữa, họ lại có tri thức, năng lực mới cũng như những tiềm năng khác mà thế hệ chúng tôi không có được. Tôi tin như vậy!
3. Tôi không nghĩ là tác phẩm của mình lại được xuất bản và đăng tải. Vì tôi hoàn toàn không có ý định đó. Tôi chỉ có một khát vọng là: “Đồng đội tôi, những người đã cầm súng chiến đấu giải phóng đất nước, những người đã đi qua chiến tranh (hoặc con cháu họ), khi đọc hồi ký này có thể tìm lại bóng dáng hay nỗi niềm của mình hoặc cha ông mình ở một thời máu lửa trong thế kỷ XX trên những trang viết, để có thể sống tốt hơn với quá khứ vẻ vang ấy…” (trích hồi ký).
Tôi chưa từng là hội viên hay cộng tác viên của một hội Văn học Nghệ thuật nào đó chứ chưa nói đến là nhà văn. Tôi viết “Ký ức Chiến tranh” với cách nhìn, suy nghĩ và hành động của người lính (nhanh, mạnh, chính xác và quyết đoán - viết từ tháng 11- 2004 đến tháng 3 - 2005 là xong).
4. Tôi rất mừng vì độc giả đón đọc bản thảo của tôi và có nhiều ý kiến rất xúc động (tôi gửi trên 300 cuốn photocopy và hàng chục đĩa mềm cho bạn bè và đồng đội trước khi NXB Thanh Niên ấn hành). Tôi nghĩ, đó là một hạnh phúc của đời tôi. Và cũng là cái được lớn trong cái mất của mình.
Đó chính là hạnh phúc mà dễ gì ai cũng có được!

Linh Sơn (thực hiện)
Báo Giáo dục & Thời đại, số 18, tháng 4 - 2006
           







KÝ ƯC CHIẾN TRANH - CUỐN SÁCH TÔN VINH LỊCH SỬ

          “…Từ thời khắc lịch sử 30 -4 -1975 đến nay, đã có một thế hệ như thế. Lớp người ấy khả dĩ đã làm nên những điều kỳ diệu nhằm góp phần thay đổi bộ mặt đất nước trong thời kỳ mới. Nhưng với quá khứ thì họ khó có thể có được một cảm nhận tương đối đầy đủ về cuộc chiến tranh giải phóng  dân tộc vĩ đại nhưng vô cùng tàn khốc mà cha ông họ đã phải gánh chịu và đi qua…” ( Ký ức Chiến tranh – Vương Khả Sơn)
Vâng! Vương Khả Sơn là một trong những nhân vật tiêu biểu cho lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ đã từng “làm nên lịch sử”. Tôi đã xúc động bao lần khi đọc “Mãi mãi tuổi Hai mươi”; “ Có tuổi Hai mươi thành sóng nước”,  song “ Ký ức Chiến tranh” đã để lại trong tôi một dư âm đặc biệt, một niềm cảm xúc khó phai mờ. Phải chăng đó là vì nhân vật trong cuốn hồi ký chính là tác giả mà tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc - một người lính mà thẳm sâu trong ánh mắt anh vẫn cháy lên cả một vầng quá khứ hào hùng và bi tráng.
Tôi đã được đọc, được nghe, được hiểu về chiến tranh và sức huỷ diệt của nó cùng sự đau đớn hy sinh và mất mát trong chiến tranh nhưng sau những dòng “Ký ức Chiến tranh” của Vương Khả Sơn, tôi cảm thấy như đang được chứng kiến tận mắt những chiến sỹ băng qua mưa bom bão đạn của kẻ thù để hướng đến một mục đích vĩ đại là giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa,Vương Khả sơn trở thành người lính khi chưa đầy tuổi 18. Anh tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam với lòng yêu nước cháy bỏng và lý tưởng ra trận cao đẹp      “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngay từ những dòng đầu tiên xuyên suốt đến những dòng cuối cùng của “Ký ức Chiến tranh”, Vương Khả Sơn đã thể hiện khá chân thành và cảm động về điều ấy. Dõi theo từng trang “Ký ức Chiến tranh”, tôi cảm nhận sự gian khổ “nếm mật nằm gai”của những người lính trong những trận chiến gay go quyết liệt, đồng thời thấy được sự hy sinh cao cả, hào hùng nhưng có lúc âm thầm của người lính. Thật đau xót và đáng trân trọng biết bao! Đặc biệt có những dòng đọc lên, ta thấy nghẹn ngào, rưng rưng trong tâm trí.: “Họ đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh trên khắp các chiến trường”; “…Trăng hạ tuần vàng vọt nhô lên trên rặng cây xơ xác phía đồng đội tôi vừa bị trận mưa bom dữ dội ấy…”; “… Họ đi  như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa…”
Đặc biệt, hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Doãn, Chính trị viên phó đại đội (quê Quảng Bình) bị địch bắt sống tra tấn dã man và ngày hôm sau bị chúng chặt đầu bêu ở chợ Lộc Giang…đã làm tái hiện chân thực hiện thực lịch sử khốc liệt bi tráng về tượng đài bất tử của người lính Trường Sơn. Tôi tin chắc rằng khi viết những dòng này, Vương Khả Sơn đã thổn thức về sự hy sinh lớn lao của đống đội. Và mãi mãi khắc đậm trong tâm trí anh những hình ảnh ấy. Đó cũng là tất cả niềm thành kính thiêng liêng và trân trọng mà Vương Khả Sơn đã thể hiện thành công, cảm động khi viết những dòng hồi ký đẫm nước mắt và vẹn nguyên tính chân thực của lịch sử.
Câu chữ giản dị mà ta như thấy cả một niềm thương đau đến hoang hoải. “Ký ức Chiến tranh” của Vương Khả Sơn đã cho tôi hiểu sâu sắc một phần cuộc chiến tranh khốc liệt cùng sự hy sinh, mất mát lớn lao mà “dân tộc ta phải gánh chịu và đi qua”
Đọc “Ký ức Chiến tranh” ta còn thấy một sự quan sát tỷ mỷ, một trí nhớ đến kinh ngạc của Vương Khả Sơn. Dường như với anh tất cả vẫn còn tươi rói trong ký ức như vừa xảy ra hôm qua. Thời gian không thể xoá nhoà hình ảnh thân yêu của đồng đội anh với đầy ắp các sự kiện, các trận đánh. Thậm chí cả tên tuổi quê quán, ngày giờ hy sinh của đồng đội, anh đều nhớ chính xác với một trí nhớ đáng khâm phục. Dưới ngòi bút của anh, thể loại hồi ký được anh xử lý linh hoạt. Ta như thấy dáng dấp của nhiều thể loại đan xen. Phóng sự, ký sự, thậm chí  có cả ngôn ngữ của điện ảnh để chuyển tải những dòng hồi ức còn nóng hổi của anh. Nhiều đoạn quen thuộc như một cuốn phim ngắn về đề tài chiến tranh mà ta đã từng được xem ở đâu đó. Ngôn ngữ văn chương giản dị, sâu sắc đồng thời tính chính xác, tính chân thực của thể loại hồi ký cũng được anh thể hiện một cách trung thành, nên khi đọc tác phẩm, người đọc dễ dàng bị cuốn hút và hoàn toàn bị chinh phục bởi sự chân thực trong từng chi tiết.
“Ký ức Chiến tranh”đã vinh dự được Nhà xuất bản Thanh niên chọn đưa vào tủ sách “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi Hai mươi”
Cảm ơn Vương Khả Sơn!
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã im tiếng súng. Giờ đây đất nước ta đang từng ngày từng giờ nở hoa khoe sắc, bước lên những vận hội phát triển mới. Song, những gì thuộc về miền nhớ của lịch sử hào hùng, vĩ đại sẽ mãi mãi bất tử. “Ký ức Chiến tranh” của Vương Khả Sơn là một tư liệu quý giá chứa đựng những giá trị lịch sử của cả một dân tộc - xứng đáng là một cuốn sách tôn vinh lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Vương Anh
XB22 - Học viện Báo chí &Tuyên truyền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook