Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tìm hiểu Lịch sử Kon Tum



         Kon Tum điều kiện tự nhiên đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với vị thế địa – chính trị, địa – kinh tế quan trọng, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp đồng bộ, Kon Tum có khá nhiều lợi thế để vươn lên thoát nghèo, phát triển theo hướng CNH, HĐH. Kon Tum có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Do địa hình bị chia cắt phức tạp nên tạo sự phân hóa mạnh mẽ của khí hậu giữa các vùng địa lý trong tỉnh và sự khác biệt với khí hậu miền duyên hải Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đất đai tỉnh Kon Tum bao gồm nhiều loại trên nền đất mẹ granít, giơ rai, bazan, với tích tụ phù sa sông suối, nhiều mùn tơi xốp. Đất Ferlalít ở Kon Tum phổ biến có nhiều loại: đất Feralít nâu vàng, vàng xám và Feralít nâu đỏ phân bổ trên các vùng khác nhau. Trong các loại đất đỏ, đất Feralít nâu đỏ phát triển trên nền đất Bazan không nhiều, nhưng có độ phì tự nhiên cao chiếm trên những vùng đồng bằng rộng thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê... Đất xám phát triển trên đá granít, nằm rải rác dọc  theo các thung lũng của các sông Krông Pô Cô, Đăk Bla, Đăk Pxi, H’drâng, Đăk Pne và nhiều suối lớn nhỏ... rất thích hợp cho trồng lúa, màu, đậu, đỗ... đem lại năng suất khá cao.
Đất lâm nghiệp hiện có 920.000 ha. Trong đó, diện tích rừng chiếm trên 614.000 ha với... độ che phủ khoảng 65%. Kon Tum là tỉnh có thế mạnh lớn nhất là rừng. Trữ lượng gỗ còn rất lớn (trên 60.000.000m3). Rừng Kon Tum rất đa dạng, phong phú về động, thực vật quí hiếm. Hiện nay đã biết được trên 1.200 loài thực vật bậc cao có mặt tại Kon Tum, có nhiều loại cây gỗ quí như: trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, gụ, bạch trùng, thông tre... nhiều lâm sản quí khác trầm kỳ, nhựa thông, dầu rái, chai cục, mây, song, các loại lá làm men nhựa, cây làm nước xá xị... Động vật ở Kon Tum qua điều tra bước đầu đã phát hiện có gần 100 loài thú, 350 loài chim, nhóm ếch nhái và bò sát chiếm 1/6 số loài có tên trong danh sách đỏ Việt Nam như: bò rừng, bò tót, hoẵng, trâu rừng, nai trâu, nai cà tong, sóc bang, trĩ công, sao, gà... mặt đỏ...
Dưới lòng đất của Kon Tum cũng có nhiều loại khoáng sản quí như quặng sắt, quặng bôxit (cùng với kim loại quí là vàng, vàng gốc và vàng sa khoáng), các loại đá quí, nước khoáng... được phân bổ khá rộng. Các khoáng sản phi kim loại rất dồi dào như: đá, cát, sỏi, sét làm gạch ngói, sét cao lanh, sét địa tonit, bantônit có trữ lượng lớn ở nhiều vùng trong tỉnh.
Sông suối và ao hồ ở tỉnh Kon Tum chẳng những là nguồn thuỷ lợi, thủy điện dồi dào mà còn là điều kiện để nuôi trồng phát triển cá nước ngọt và môi trường trồng các loại thủy sản. Chúng len lỏi với địa hình rừng núi tạo cho Kon Tum một cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên hùng vĩ. Sông suối, rừng núi trên mặt đất giữ che tiềm ẩn trong lòng đất của tỉnh Kon Tum một hệ thống nước ngầm, nhiều nguồn nước nóng, có suối nước nóng đến 55oC như suối Ram Phia, suối Kon Nit... là những suối có chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh có hiệu quả.
Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, nơi có các trục giao thông giao lưu của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, tỉnh Kon Tum có khoảng 650 km đường ranh giới, trong đó đường biên giới quốc gia gần 260 km. Toàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ lớn và mạng lưới các đường liên huyện, liên xã. Quốc lộ 14C (hiện nay là một phần của tuyến đường Hồ Chí Minh), con đường chiến lược Trường Sơn, chạy từ Đà Nẵng qua các huyện Đăk Glei – Ngọc Hồi, Đăk Tô – Đăk Hà – thị xã Kon Tum về Plei Ku, qua thị xã Thủ Dầu Một tới thành phố Hồ Chí Minh. Đoạn chạy qua  tỉnh Kon Tum dài gần 200km, là huyết mạch giao thông quan trọng của tỉnh nối liền hầu hết thị trấn ở các huyện với khu trung tâm kinh tế – chính trị - văn hóa của tỉnh. Quốc lộ 24 từ Kon Tum qua Kon Rẫy, Kon Plông xuống Ba Tơ và ngã ba Thạch Trụ (Quảng Ngãi) dài 164 km. Quốc lộ 40 (đường 18) bắt đầu từ ngã tư Plei Kần (Ngọc Hồi) đi thị xã A Tô Pư (Lào) dài 132 km là đầu mối giao thông quan trọng không chỉ của Kon Tum với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, mà còn là đầu mối giao lưu của nước ta với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nơi đây có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm ở ngã ba Đông Dương (thuộc huyện Ngọc Hồi) mở ra nhiều triển vọng trong giao lưu quốc tế.
Nằm ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương, gắn chặt các đặc trưng về địa lý, tự nhiên tạo cho Kon Tum có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng./.
                            H.X(Tổng hợp)
Đặc điểm xã hội cổ truyền và vài nét về văn hóa các dân tộc ở Kon Tum
1. Đặc điểm nổi bật của cư dân các dân tộc Kon Tum trong tổ chức xã hội cổ truyền là “làng”. Làng là từ gọi theo tiếng phổ thông để chỉ một tổ chức xã hội duy nhất, phổ biến chung trong tất cả các cộng đồng dân tộc bản địa ở Kon Tum. Mỗi dân tộc có một tên gọi cụ thể riêng: Dân tộc Ba Na gọi là “Kon”, dân tộc Ja Rai, dân tộc Xê Đăng gọi là “plei”, “plơi”, dân tộc Brâu gọi là “Đê” còn dân tộc Rơ Mâm gọi là “Srúc”... Làng là một tổ chức xã hội có kết cấu chặt chẽ. Trải qua quá trình lịch sử đầy biến động với các cuộc chiến tranh loạn lạc, nhưng diện mạo làng cổ truyền vẫn duy trì khá phổ biến và đậm nét. Đây là một đơn vị vẫn còn mang dấu ấn “công xã nông thôn” gần với nhiều chức năng trong đời sống xã hội.

Về thiết chế xã hội: “làng” là một tổ chức xã hội nhỏ nhất và cũng là duy nhất, vận hành theo cơ chế tự quản. Sau này, khi xã hội phát triển trong một thể chế hành chính quốc gia, gắn với từng thời kỳ lịch sử khác nhau, trên làng còn có xã, tổng, huyện (quận), tỉnh... thì làng vẫn là tổ chức xã hội gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc.
Với tổ chức xã hội duy nhất đó, già làng được chọn là những người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có đạo đức và uy tín trong cộng đồng làng . Trong phạm vi từng làng, mọi thành viên chịu sự điều khiển của già làng. Các dân tộc có số lượng người đông như Xê Đăng, Ba Na, Jẻ Triêng, bên cạnh già làng còn có “Hội đồng già làng” là những người đàn ông có độ tuổi trung niên làm chủ các nóc nhà, được lựa chọn theo tập quán, nhưng đứng đầu vẫn là “già làng”.
2. Văn hóa các dân tộc ở tỉnh Kon Tum là văn hóa “thống nhất trong đa dạng”.
Đối với các dân tộc bản địa, đặc trưng văn hóa  được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:
- Luật tục: Luật tục là những “tập quán pháp” truyền miệng được bảo lưu qua bao đời nay vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Trong hệ thống tự quản cổ truyền của xã hội cộng đồng làng, luật tục làm chức năng quản lý xã hội. Mọi hành xử của già làng và các thành viên cộng đồng làng đều tuân theo luật tục  dựa trên nguyên tắc bàn bạc dân chủ – tập trung dưới sự điều khiển của già làng.
Hệ thống lễ hội: Đây là đặc trưng nổi bật trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc được hoàn thành từ lâu đời trong lịch sử. Có 3 hệ thống lễ hội chung:
+ Hệ thống lễ hội xung quanh vòng đời người bao gồm: lễ khi người phụ nữ có thai, lễ đặt tên, lễ thổi tai, lễ cúng đau ốm, lễ hỏi vợ (chồng), lễ cưới, lễ tang.
+ Hệ thống lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng bao gồm: lễ hội đâm trâu, lễ hội cúng bến nước, lễ hội kiêng làng (lễ hội Bom Xởuk của dân tộc Brâu).
+ Hệ thống lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng bao gồm: lễ chọn đất làm rẫy; lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ trỉa hạt (lúa, bắp), lễ cúng lúa mới, lễ thu hoạch lúa, lễ mở cửa kho lúa (cơm mới)
- Văn học nghệ thuật dân gian.
Đồng bào các dân tộc Kon Tum có một kho tàng văn nghệ dân gian hết sức phong phú, độc đáo bao gồm: văn học, âm nhạc, dân vũ, kiến trúc, điêu khắc...
Hầu hết các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm đều rất thích ca hát, nhảy múa và tấu cồng chiêng. Sinh hoạt ca múa nhạc luôn gắn với cộng đồng qua các lễ hội hàng năm. Đồng bào có rất nhiều bộ cồng chiêng quý và nổi tiếng với tài nghệ sử dụng rất điêu luyện những tiết tấu đặc sắc. Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Kon Tum trong không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đã có sức thu hút và lan tỏa rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Kiến trúc văn hóa được thể hiện ở trong bức tranh tổng thể. Bên cạnh những mái nhà rông cao vút, những nếp nhà sàn quen thuộc... thể hiện sắc thái riêng của đồng bào dân tộc, còn những nhà thờ gỗ, nhà thờ gạch xây với kiến trúc hài hòa, thỉnh thoảng kết hợp với những kiến trúc phương Tây, kiến trúc trùng điệp theo kiểu người Kinh và kiến trúc nhà sàn dân tộc.
Tất cả những đặc trưng văn hóa đó, đã tạo sức thu hút mãnh liệt và là một trong những tiềm năng về thế mạnh du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với Kon Tum tham quan và nghiên cứu.
Bên cạnh thành phần cư dân các dân tộc thiểu số hiện nay người Kinh là một thành phần dân tộc có số lượng dân cư khá đông, có trách nhiệm và có vai trò không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Cùng với người Kinh, còn có một bộ phận các dân tộc thiểu số ở phía Bắc mới di cư “kinh tế mới” từ sau giải phóng 1975 đến nay.
3.Kon Tum ngày nay đã và đang là nơi hội tụ của nhiều thành phần cư dân các dân tộc trong cả nước. Mỗi thành phần cư dân  đều mang truyền thống và bản sắc văn hóa riêng nhưng đều có những điểm tương đồng, thống nhất – đó là sự “thống nhất trong đa dạng” trên mọi phương diện của đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội... Tất cả đều hướng vào mục tiêu chung trong sự nghiệp xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp./.
Song Lang 
Nhà ngục Kon Tum và sự ra đời của Chi bộ Binh
Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã lập ra hàng chục nhà tù lớn nhỏ, nhằm mục đích giam cầm, tra tấn, giết hại những người Việt Nam yêu nước. Đó là hệ thống các nhà tù: Côn Đảo, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột, Sơn La, Ngục Kon Tum... và rất nhiều các nhà giam khác ở khắp các địa phương trong cả nước.

Nhà ngục Kon Tum nằm trong hệ thống nhà ngục của Thực dân Pháp. Nhà ngục được xây dựng khoảng cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Ban đầu đây là nơi bọn thực dân cai trị giam giữ những tù thường phạm. Nhưng về sau, khi tù chính trị cộng sản bị đày lên giam cầm tại đây, tính chất nhà ngục đã thay đổi, trở thành nơi giam giữ, đày ải tù chính trị với những âm mưu và hành động thâm độc, tàn ác của chính quyền cai trị thực dân Pháp.
Thực dân Pháp hiểu rất rõ sự lợi hại của Nhà ngục Kon Tum, bởi tỉnh Kon Tum thời bấy giờ là nơi hoang vu, rừng thiêng, nước độc. Chọn Nhà ngục Kon Tum làm nơi giam cầm, đày ải tù chính trị cộng sản, thực dân Pháp sẽ đạt được nhiều mục tiêu trong việc cách ly tù chính trị cộng sản với phong trào cách mạng của các tỉnh vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam; mặt khác Ngục Kon Tum là nơi giam giữ các tù chính trị cộng sản để cung cấp lượng nhân công cho việc lao động khổ sai làm đường 14; và thâm độc nhất là với chế độ bạc đãi tù nhân bằng việc bắt tù chính trị lao động khổ sai, tra tấn, đánh đập..., cùng với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc, chúng sẽ thực hiện được âm mưu giết chết dần mòn tù chính trị mà không bị tai tiếng dư luận. Do vậy, Nhà ngục tuy quy mô không lớn và cũng không kiên cố, nhưng lại là nơi thực dân Pháp tiến hành âm mưu, thủ đoạn dã man nhất đối với tù chính trị.
Thực tế lịch sử chứng minh: Tại Ngục Kon Tum từ năm 1930 đến năm 1933, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa trong số đó đã phải gửi nắm xương tàn tại đây và dọc con đường 14, con đường của địa ngục trần gian. Chỉ tính riêng trong 6 tháng  mùa khô 1930-1931 (12-1930 đến tháng 5-1931), có 210 người trên tổng số 295 tù chính trị lúc đó đã bỏ mình trên công trường làm đường 14. Tại Nhà ngục Kon Tum đã xảy ra cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12-12-1931 và cuộc đấu tranh Tuyệt thực ngày 16-12-1931 vang động núi rừng Kon Tum, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước thời bấy giờ.
Nhà ngục Kon Tum, nơi địch đày ải giam cầm hàng trăm chiến sĩ cộng sản trung kiên, trong đó có nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, những đảng viên cốt cán của phong trào cách mạng lúc bấy giờ như các đồng chí: Lê Văn Hiến, Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Trương Quang Trọng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng... Những tấm gương kiên cường chiến đấu dũng cảm hy sinh của cách mạng đã có tác động rất to lớn đối với phong trào cách mạng ở Kon Tum những năm 1930-1934 và cả sau này. Bên cạnh đó, Ngục Kon Tum cũng là nơi hun đúc, rèn luyện để sau này cung cấp cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cách mạng tiền bối, những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí: Bùi San, Lê Văn Hiến, Ngô Đức Đệ, Hồ Tùng Mậu, Phạm Thể, Tôn Sỹ Khuê... đã có những cống hiến to lớn và quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại non sông.
Đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, Nhà ngục Kon Tum để lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng và đặc biệt. Sự kiện nổi bật, mang đậm dấu ấn lịch sử, là một mốc son, ghi dấu bước ngoặt đối với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đó là sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên mảnh đất Kon Tum, chính tại Ngục Kon Tum. Đó là sự ra đời của Chi bộ Binh – Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum.
Sự việc diễn ra vào tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp đưa Ngô Đức Đệ là tù chính trị cộng sản bị bắt ở Hà Tĩnh lên giam giữ tại nhà lao Kon Tum. Vì xem Ngô Đức Đệ là tù chính trị nguy hiểm nên địch bố trí giam Ngô Đức Đệ ngay sát phòng làm việc của cai đội Huỳnh Đăng Thơ để tiện giám sát, theo dõi. Nhưng sự việc lại diễn ra hoàn toàn trái với ý đồ của địch.
Huỳnh Đăng Thơ làm việc bên cạnh một tù chính trị cộng sản, qua giao tiếp hàng ngày, đội Thơ nhận thấy ở tù cộng sản Ngô Đức Đệ nhiều phẩm chất cao quý của một con người đạo đức, nghĩa khí, một lý tưởng cách mạng chân chính cao đẹp... đã đem lòng mến mộ. Ngược lại Ngô Đức Đệ nhận thấy ở Huỳnh Đăng Thơ – tuy là một cai tù nhưng hiền lành, thật thà, giàu tình cảm, có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nên đã cảm mến, kết nghĩa thân tình. Và giữa Huỳnh Đăng Thơ và Ngô Đức Đệ không còn khoảng cách giữa cai đội với người tù mà trở nên gắn bó thân thiết. Vốn sẵn lòng yêu nước, được Ngô Đức Đệ tuyên truyền vận động về Đảng, về cách mạng, Huỳnh Đăng Thơ đã giác ngộ và tình nguyện theo Đảng làm cách mạng. Sau một thời gian bồi dưỡng, thử thách, Ngô Đức Đệ đã kết nạp Huỳnh Đăng Thơ vào Đảng ngay tại Nhà ngục Kon Tum. Trở thành đảng viên cộng sản, Huỳnh Đăng Thơ cùng với Ngô Đức Đệ tiếp tục tuyên truyền vận động, bồi dưỡng thử thách, giúp đỡ và lần lượt kết nạp các cai đội: Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (Cai Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 25-9-1930, tại Nhà ngục Kon Tum, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum ra đời, gồm các đồng chí: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ, do Ngô Đức Đệ làm bí thư. Đến tháng 12-1930, chi bộ phát triển thêm 10 đảng viên, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được bầu làm Bí thư chi bộ. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum ngay trong nhà lao của kẻ địch và việc các đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ là những cai đội trở thành đảng viên cộng sản là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Sự kiện này ghi nhận ánh  sáng cách mạng của Đảng đến với Kon Tum, một vùng đất xa xôi hẻo lánh, đồng thời còn là đòn giáng trả vào âm mưu và hành động thâm độc của kẻ địch.
Nét độc đáo, khác biệt của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời tại Kon Tum so với các địa phương khác là chi bộ Đảng ra đời ngay trong sào huyệt của kẻ thù, trong trại lính của nhà ngục kẻ thù. Thành phần chính của các đảng viên chi bộ vốn là những cai đội, phó quản, binh lính trong hàng ngũ địch giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Đây là một minh chứng cho sức sống cách mạng của Đảng luôn lan tỏa và thấm sâu đến mọi nơi, mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum còn thể hiện sự chủ động sáng tạo của Đảng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là dấy lên ngọn lửa cách mạng ngay chính trong lòng địch.
Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, Nhà ngục Kon Tum với sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên mãi luôn là dấu ấn lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum./.
Phước Tấn 
Nét đặc sắc của Kon Tum trong Cách mạng Tháng Tám
Vào những ngày đầu Tháng Tám năm 1945, phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung bộ cũng như cả nước sục sôi, bừng bừng khí thế nổi dậy, sẵn sàng chờ thời cơ đứng lên cướp chính quyền trong tay Nhật, Pháp.

Giữa lúc đó, tình hình chiến tranh thế giới thứ 2 đã bước vào giai đoạn kết thúc. Tình hình chủ quan và khách quan của cuộc khởi nghĩa đã đến. Chớp thời cơ thuận lợi, ngày 13-8-1945 Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Tổ quốc, đồng bào hãy vùng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều nơi trong cả nước đã đứng lên cướp chính quyền.
Chịu ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh và những người cộng sản, phấn chấn trước thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều nơi trong cả nước, nhóm trí thức yêu nước và một số viên chức, binh sĩ  tiến bộ như Tôn Thất Hy, Hoàng Lẫm, Nguyễn Năng Tịnh, Võ Văn Dật... đã bí mật họp tối 23-8-1945 bàn việc tổ chức giành chính quyền ở Kon Tum. Cuộc họp đã vạch kế hoạch cụ thể, đặt vấn đề huy động đông đảo quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, vận động binh lính giao nộp vũ khí, tiến hành nổi dậy ở các công sở, doanh trại của địch, gửi tối hậu thư yêu cầu các hiến binh Nhật còn lại ở Kon Tum không được can thiệp, tổ chức phối hợp đồng bộ với lực lượng từ  Plei Ku (Gia Lai) lên hỗ trợ tạo sức mạnh tổng hợp.
Kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị công phu, ông Võ Văn Dật được phân công phụ trách quân sự đã tiến hành thăm dò thái độ của binh lính bảo an ở các đồn, thu chìa khóa các kho súng đạn, tuyên truyền binh sĩ chuẩn bị tinh thần hạ vũ khí đón tiếp lực lượng khởi nghĩa. Vì thế, sáng ngày 25-8-1945, khi đoàn cán bộ Việt Minh từ Gia Lai lên (do đồng chí Dương Thành Đạt dẫn đầu) để phối hợp với lực lượng khởi nghĩa ở đây giành chính quyền thì mọi việc ở Kon Tum đã chuẩn bị xong. Quần chúng nhân dân Kon Tum trong tư thế vũ trang đứng sẵn đầu cầu Đăk Bla, nhà dây thép (Bưu điện), dinh Quản Đạo... chờ đón, cùng phối hợp với lực lượng Việt Minh ở Gia Lai lên để giành chính quyền.
Trước khí thế cách mạng của quần chúng, Hà Ngại – Tổng trưởng chính quyền bù nhìn phải bàn giao toàn bộ chính quyền cho lực lượng cách mạng. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum diễn ra nhanh gọn và giành thắng lợi triệt để. Tại dinh Quản Đạo, đồng chí Trần Sanh thay mặt lực lượng Cách mạng khởi nghĩa tuyên bố: Việt Minh giành chính quyền, phế truất toàn bộ bộ máy cai trị cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Đến chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời của tỉnh được thành lập gồm 5 thành viên do bác sỹ  Hoàng Lẫm, làm Chủ tịch. Tại các địa phương như Đăk Tô, Đăk Glei, chính quyền và lực lượng địch cũng trong thế tan rã chờ lực lượng Cách mạng lên tiếp quản. Ở Kon Plông khởi nghĩa giành chính quyền còn có Việt Minh ở Quảng Ngãi lên phối hợp.
Ngày 28-8-1945 một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại sân vận động thị xã Kon Tum với hơn 3000 người thuộc mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc, các thành phần lương cũng như giáo, từ khắp nơi trong thị xã và các khu vực phụ cận nô nức kéo về tham dự. Tại cuộc mít tinh, UBND cách mạng lâm thời chính thức ra mắt trước toàn thể nhân dân và công bố những chủ trương chính sách mới của chính quyền cách mạng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ cách mạng, xây dựng và phát triển đời sống xã hội. Chủ tịch Hoàng Lẫm, kêu gọi toàn dân: “Người Kinh cũng như người dân tộc đoàn kết ủng hộ Việt Minh”.
Cuối tháng 8 khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công khắp cả nước. Tại Hà Nội, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc ta.
Tối 2-9, tại Kon Tum, chính quyền cách mạng tổ chức cho nhân dân nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập qua băng ghi âm được phát trên sóng phát thanh toàn quốc. Người dân ai nấy xúc động và vui mừng khi nghe lời Người tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “... Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Mọi người càng phấn khởi và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh.
Khác với nhiều tỉnh trong cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Kon Tum diễn ra khi chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Trên thực tế ở tỉnh, quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng từ lâu của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã tự động nổi dậy giành chính quyền (“Cách mạng Tháng Tám 1945”, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1980, trang 143). Trong đó ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp qua nhiều năm từ những chiến sỹ cộng sản bị địch bắt đày lên giam cầm trong các nhà lao ở Kon Tum. Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh, gọn, thắng lợi trọn vẹn, rất ít đổ máu, hòa nhập với cao trào tổng khởi nghĩa cả nước.
Đó là biểu hiện sinh động, nhanh nhạy về mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản với đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum; thể hiện phương pháp đấu tranh của các chiến sỹ cộng sản khi bị địch bắt, tù đày, cực hình nhưng vẫn kiên trung làm công tác Đảng, công tác binh vận, dân vận, thuyết phục lôi kéo được nhiều viên chức, binh lính, cai đội của địch về với nhân dân, sớm giác ngộ đi theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản, của Việt Minh. Điều đó nói lên vai trò tác động đặc biệt to lớn của đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính năng động, cách mạng của quần chúng nhân dân đã hành động đúng mực trên phương pháp cách mạng do Đảng đề ra. Đó cũng là mối quan hệ đặc biệt giữa những người cộng sản với  quần chúng nhân dân đã tích tụ và phát triển trong nhiều năm đấu tranh chống ách  nô dịch, hà hiếp của ngoại bang; nhất là trong cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến áp bức bóc lột giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên lịch sử trong những ngày Tháng Tám năm 1945 chói lọi. Và chính điều kiện khách quan ấy đặt tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Kon Tum.
Nhân dân các dân tộc Kon Tum luôn tự hào với truyền thống Cách mạng Tháng Tám, truyền thống đó sẽ luôn là cơ sở vững chắc cho niềm tin thắng lợi trong tương lai./.
Song Lang
Giá trị văn hóa lịch sử của Di chỉ khảo cổ học Lung Leng trong bối cảnh văn hóa lịch sử Bắc Tây Nguyên
Theo quá trình diên cách tỉnh Kon Tum thì trong tiến trình phát triển của lịch sử, Kon Tum đã trải qua nhiều biến động. Để đến hôm nay, chúng ta được nhìn thấy một Kon Tum ổn định và phát triển, một vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của cả nước.
Trong bài giới thiệu này chúng tôi chỉ khắc họa một giai đoạn về tiến trình phát triển lịch sử của Kon Tum, đó là văn hóa tiền sử trong đó lấy Lung Leng làm trọng tâm.
Cho đến nay, bức tranh tiền sử của Kon Tum đã được khắc họa rõ nét, để chúng ta có cơ sở thay đổi cách nhìn nhận về Kon Tum, về một cao nguyên miền thượng thời quá khứ, thông qua di chỉ khảo cổ học Lung Leng. Lần đầu tiên chúng ta tìm thấy một di chỉ khảo cổ học với phát hiện hết sức bất ngờ và phong phú, có thể nói đây là một di chỉ khảo cổ học thời đại đá lớn nhất ở Tây Nguyên và cả khu vực.
Do di chỉ nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, một công trình kinh tế trọng điểm của cả nước, vì vậy được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Năng lượng, Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương tỉnh Kon Tum, nên Di chỉ Lung Leng đã hoàn thành công đoạn khai quật, di dời.
Tuy vậy, đó mới chỉ là giai đoạn đầu của một quy trình khám phá, nghiên cứu về Lung Leng, để đi đến cơ sở kết luận về một nền “Văn hóa Lung Leng”. Chắc chắn rằng, Báo cáo kết quả nghiên cứu về Lung Leng sẽ cho chúng ta thấy rõ mối quan hệ về văn hóa, lịch sử của cư dân cổ Lung Leng với các cư dân khác ở vùng bắc Tây Nguyên nói riêng và vùng Đông Nam á nói chung. Nó phục vụ công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài ngành trong toàn quốc. Trước hết là việc góp phần sử liệu vật thật phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử địa chí của tỉnh Kon Tum. Nó còn phục vụ công tác khoa học bảo tồn bảo tàng, giáo dục truyền thống, lòng hướng về cội nguồn và tình yêu quê hương đất nước, cùng với việc nâng cao ý thức của cán bộ và quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh khi nhìn nhận, đánh giá về nền văn hóa truyền thống của Kon Tum cũng như vùng bắc Tây Nguyên. Là cơ sở để bác bỏ những luận điểm của các học giả thực dân trước đây khi nghiên cứu về Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên.
Mặc dù chỉ mới thực hiện giai đoạn đầu, nhưng chúng ta đã có đủ cơ sở để kết luận rằng: “Kon Tum là một vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong tiến trình phát triển của lịch sử đây là một vùng đất đầy năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở” (Báo cáo kết quả khai quật Di chỉ Lung leng).
Lùi về quá khứ, chúng ta điểm qua những phát hiện về một Kon Tum thời tiền sử. Từ cuối thế kỷ 19, những giáo sỹ người Pháp trong đó có H.Picy, R.P.Guerlach đã sưu tầm được những chiếc rìu đá mài toàn thân ở Kon Tum. Và trong kho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện còn lưu giữ 20 di vật thời tiền sử của Kon Tum được tiếp quản từ Viện Viễn Đông Bác Cổ (Những phát hiện mới về khảo cổ học (NPHM); Vũ Văn Bát - 1984; tr33 - 38).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sỹ quân giải phóng, trong khi đào công sự ở huyện Sa Thầy đã thu lượm được một số cuốc đá, rìu đá.  tuy hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết luôn cận kề nhưng với ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tôn trọng quá khứ, cao hơn hết là tình yêu quê hương đất nước, các chiến sĩ cách mạng đã bằng mọi cách chuyển số di vật này lên cấp chỉ huy sau đó được chuyển về cơ quan chuyên môn ở Hà Nội mặc dù chưa có điều kiện để xác minh (theo Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Khắc Sử 1974: tr115-116; NPHM).
Đặc biệt từ năm 1990 trở lại đây cùng với việc điều tra khảo sát lòng hồ thủy điện, nhiều di vật tiền sử Kon tum được thu thập, nhiều sưu tập mới được công bố (Võ Quý và Phan Thanh Bàng năm 1991: tr69-70; Phan Thanh Bàng 1991: tr70-71; Phan Thanh Bàng 1992: tr72-73…; NPHM) bên cạnh đó cần phải kể đến những di vật trôi nổi, phát hiện trong dân vùng Sa Thầy và thị xã Kon Tum. Họ nhặt được trong quá trình đi làm rẫy, đào vàng sa khoáng, mà tiêu biểu nhất là sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Kim ở Bình Nam, Sa Bình, Sa Thầy (trên 300 di vật ông đã tặng cho Bảo tàng Kon Tum), sưu tập của Bế Văn Phúc, 128 Ngô Quyền, thị xã Kon Tum, sưu tập của ông Văn Đình Thành, 60 Hoàng Văn Thụ, thị xã Kon Tum…
Kể từ năm 2001 trở về trước, các nhà nghiên cứu về tiền sử Đông Nam Á vẫn cho rằng, Kon Tum chỉ là hành lang, là điểm giao lưu văn hóa giữa các trung tâm: Đông Bắc Thái - Bắc Lào - Đông Sơn - Sơn Huỳnh - Đồng Nai - Sam Rông Sen, Campuchia.
Việc tiếp nhận bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Kim là việc xác định đích thực Di chỉ khảo cổ học Lung Leng. Chỉ hơn một tháng tiếp nhận bộ sưu tập đó là thời gian thực hiện các thủ tục về hành chính pháp lý, đến ngày 21/9/1999 Viện khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Kon Tum đã khởi công khai quật lần thứ nhất di chỉ Lung Leng với diện tích 106m2. .
Do tính chất đặc biệt quan trọng của Lung Leng, ngày 24/5/2001 di chỉ Lung Leng được khai quật đợt 2, với diện tích 11.500m2.
Kết quả khai quật đã phát hiện được các di tích bếp lửa, lò lung, mộ táng, di cốt người, mẫu thực vật. Về hiện vật, đã thu được trên 10.000 công cụ đá với hàng chục vạn mảnh gốm.
Với kết quả ban đầu ở Lung Leng đã gợi mở cho chúng ta nhiều điều, xã hội tiền sử của Kon tum đã được vén bức màn bí mật. Lung Leng là di chỉ có quy mô lớn, có tầng văn hóa dầy, có số lượng di vật phong phú. Cư dân tiền sử Lung Leng có mối giao lưu rộng mở với các nhóm cư dân cổ khác ở Việt Nam và Đông Nam Á, nhưng vẫn bảo lưu những nét đặc trưng văn hóa, điều đó được thể hiện qua các di tích di vật.
Những đặc trưng trên còn được thể hiện rất rõ nét ở hơn 50 địa điểm khảo cổ học phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh sau Lung Leng. Hiện nay hầu như tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh đều phát hiện được di chỉ khảo cổ học tiền sử. Tuy vậy, với số lượng 57 địa điểm mới được phát hiện này, mới chỉ là một phần trong việc thực hiện công tác điều tra tổng thể các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Kon tum. Ở đây bên cạnh việc tiến hành khai quật thì công tác điều tra vẫn tiếp tục thực hiện. Có thể nói hiện nay Kon Tum là một tỉnh có số lượng di tích và di vật thời tiền sử lớn nhất Tây Nguyên và cả khu vực miền Trung.
Những phát hiện khảo cổ học mới đây là cơ sở cho chúng ta có một nhận thức mới về văn hóa tiền sử Kon Tum. Trước hết cho ta thấy người tiền sử Kon Tum cư trú thành từng cụm tập trung 2 bên bờ các con sông lớn, gần các nguồn nước mà chúng ta vẫn gọi là làng cư trú trên đồi ven sông. Địa điểm cư trú của họ còn là xưởng chế tác công cụ, khu mộ táng. Kinh tế của người tiền sử Kon Tum mang tính hỗn hợp, bao gồm: Săn bắt, hái lượm, chế tác công cụ, trao đổi sản phẩm và bước đầu biết trồng trọt cũng như kỹ thuật luyện kim. Người tiền sử Kon Tum đã có một tổ chức xã hội nhất định. Trong mô thức sống ấy, có sự phân công lao động. Người tiền sử Kon Tum có một đời sống tinh thần phong phú, thể hiện qua kỹ thuật chế tác công cụ đá, hoa văn trên gốm. Thổ hoàng tô trên gốm, các kiểu dáng chum, vò, bát bồng, các hạt chuỗi, vòng, khuyên tai, các viên thạch anh… Xã hội người cổ Kon Tum đã hình thành lên thế giới tâm linh thông qua đồ tùy táng, tư duy về số lẻ qua các di vật tìm thấy ở trong mộ…
Ngoài những giá trị, ý nghĩa về văn hóa lịch sử đã nêu trên thì có một vấn đề của hiện tại chúng tôi vẫn phải nhắc đến. Đó là, do đặc điểm cư trú của người tiền sử Kon Tum thường tập trung chính các vùng trũng, nơi có nguồn nước dồi dào, chủ yếu tập trung dọc theo hai bên bờ các con sông lớn như Đăk Bla, Đăk Kroong, Pô Kô cũng như điểm giao hội của các con suối lớn với những con sông ấy.
Xuất phát từ những đặc điểm trên, hiện nay có rất nhiều di chỉ khảo cổ mới được phát hiện nằm trong vùng ngập và bán ngập của lòng hồ thủy điện Ya Ly và thủy điện Plei Krông. Thiết nghĩ, để góp phần cứu lấy một nền văn hóa, đối với 57 địa điểm di tích tiền sử của tỉnh Kon Tum mới được phát hiện, chúng ta hãy coi việc khai quật Di chỉ Lung Leng và các di chỉ thuộc lòng hồ thủy điện Plei KRông là một bài học tốt, bởi vì đó là một hoạt động khoa học nghiêm túc, kết quả khai quật này có giá trị to lớn đối với những ai yêu quí và gắn bó với mảnh đất cực Bắc  Tây Nguyên này./.
Phan Thanh Bàng 


Văn hóa lễ hội ở Kon Tum
Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum có dáng vẻ riêng mang tính khu vực. Lễ hội cộng đồng được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống, lao động sản xuất gắn liền với núi rừng mênh mông vô tận; chính từ đó, nó chứa đựng một sắc thái văn hóa riêng – văn hóa lấy con người làm chủ, lấy đất trời làm khuôn mẫu, văn hóa ấy là sự hài hòa của nắng mưa, của núi rừng và nương rẫy. Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều là những lễ hội mang tính qui mô nhỏ, được thể hiện trong phạm vi một gia đình, nhóm gia đình, cao nhất là một cộng đồng làng.
Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung là lễ hội nguyên hợp, bao giờ cũng xuất phát từ yếu tố thiêng – nghi thức tế lễ, hiến sinh để mong đổi lại sự bình yên và no đủ. Khi các hành động đó cảm thấy được chứng giám thì ở mỗi con người như được cởi mở, thăng hoa. Sự thăng hoa đó được cộng cảm tạo thành không khí của lễ hội. Như vậy hội là hệ quả của lễ. Không có lễ thì không có hội, nhưng không phải lễ nào cũng thành hội. Có lễ chỉ là lễ, chỉ khi nào lễ tạo được niềm hứng khởi, náo nức, lan tỏa khắp các thành viên của cộng đồng, tâm trạng đó phải quy tụ thành niềm vui chung cần được giải tỏa thông qua các hành động biểu cảm. Không gian, tâm trạng của lễ nhanh chóng nhường chỗ cho hội. Đây là nguồn gốc của lễ hội.
Hệ thống lễ hội  của các dân tộc ở Kon Tum chia làm ba đường dây chính bao gồm  : Thứ nhất là hệ thống lễ hội xung quanh vòng đời người với quan niệm con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua một quá trình của mối quan hệ ứng xử, mối quan hệ cá nhân với cá nhân; cá nhân với cộng đồng; cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên (Jàng). Trong khi điều kiện sinh tồn của con người còn muôn vàn khó khăn, phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, thú dữ, chết chóc… Do đó vòng đời người cũng gắn liền với cả một hệ thống lễ hội tương ứng trong mỗi thời kỳ và tình huống cụ thể.
Một số lễ hội điển hình về chu kỳ vòng đời người của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum được thể hiện như Lễ cưới: xem xét từ lễ thức hôn nhân – công việc hệ trọng của mỗi cá nhân, yếu tố cơ bản, tiền đề sản sinh ra con người. Hôn nhân  được gia đình và cộng đồng dành cho một sự quan tâm đặc biệt, từ nghi thức, nghi lễ, các điều kiện vật chất và tinh thần phong phú, sắc thái tình cảm đặc biệt, mối quan hệ ứng xử đa chiều… trong không gian văn  hóa cộng đồng.
Lễ thổi tai thì lại bao hàm  nhiều ý nghĩa bởi kết quả của hôn nhân là những đứa con của gia đình – thành viên mới của cộng đồng. Đi kèm với nó là những lễ thức tương ứng. Từ lễ cầu đẻ thuận, lễ đặt tên, đặc biệt là lễ thổi tai; chưa làm lễ thổi tai thì chưa được coi là thành viên chính thức của cộng đồng. Khi đứa trẻ được khoảng 3-4 tuổi, gia đình và cộng đồng tổ chức lễ thổi tai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình tổ chức ở quy mô to, nhỏ khác nhau, điều kiện đó không quan trọng. Điều cốt yếu và có ý nghĩa nhân văn nhất là trong cuộc lễ, già làng, cha mẹ và mọi người nói vào tai (thổi) đứa trẻ luồng sinh khí – những điều tốt đẹp nhất, mang ý nghĩa của sự định hướng, chỉ bảo, dặn dò, cầu mong đứa trẻ lớn lên trở thành người con ngoan của gia đình và xã hội. Và cũng từ đây, đứa trẻ được công nhận là một thành viên chính thức của cộng đồng.
Lễ cúng đau ốm: Trong hoàn cảnh sống hiện tại của người dân ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum  nói riêng còn rất nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, sinh hoạt, môi trường, khí hậu khắc nghiệt…; hơn nữa, kiến thức về y học rất hạn chế, người ta không biết được nguyên nhân hoặc loại bệnh mắc phải. Họ cho rằng người đau ốm là do ma rừng, ma suối bắt hồn; do đó, chỉ có cách làm lễ cúng cầu mong được trợ giúp. Khi đó, thầy cúng được mời tới và tiến hành nghi lễ. Lễ vật dùng cho tất cả nghi lễ này là rượu và gà. Qua nghi lễ, ý nguyện là cầu mong Jàng trả lại hồn cho người ốm để chóng khỏi bệnh, nếu cúng không khỏi thì người ta cúng tiếp và dùng lễ vật lớn hơn như heo, bò, trâu…
Hiện nay, đã có trạm xá và có thầy thuốc thường trực, đồng bào đã đưa người bệnh đến trạm y tế  để chạy chữa; song, vừa chạy chữa tại bệnh xá vẫn  có cúng bái theo nghi thức dân gian; đây là cách để trấn an, trợ giúp tinh thần của  người bệnh và gia đình.
Lễ tang: Tín ngưỡng nguyên thủy của một số dân tộc thiểu số ở Kon Tum cho rằng con người chết không phải là hết, chết chỉ là sự chuyển chỗ về với ông bà và tiếp tục tái sinh ở kiếp khác (luân hồi). Do vậy, lễ tang chỉ là một cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến giữa người đi kẻ ở.
Khi gia đình có người chết, người nhà nổi chiêng, trống báo hiệu cho toàn thể cộng đồng biết để đến cùng gia đình lo làm ma. Người chết được thay áo, váy, khố mới, được đưa ra khỏi nhà và đặt trong nhà tang. Ngôi nhà vừa được cả cộng đồng cùng làm cho ma bằng tranh, tre, nứa gọi là nhà mồ. Người chết được đặt vào quan tài làm bằng một thân gỗ to, khoét rỗng và đậy nắp rồi buộc chặt lại, sau đó dùng đất sét trét kín những khe hở.
Lúc này, mọi người mang đến rượu, heo, gà cùng nhà chủ là bữa ăn cộng đồng chia tay với người chết. Toàn thể cộng đồng ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng liên tục cả ngày xung quanh nhà ma. Đến ngày thứ 3 (có khi 4-5 ngày), người ta mới đem đi chôn tại nghĩa địa của làng. Người chết được chia của bằng người sống vì họ cho rằng đến nơi ở mới cần những đồ dùng, phương tiện để tiếp tục sinh hoạt và lao động. Tài sản được chia gồm : Chiêng, ché, gùi, rìu… nhưng tất cả các thứ này đều được làm vỡ hay bẻ gãy, bởi theo quan niệm của họ, thế giới ma là thế giới lộn ngược với thế giới của người sống – xấu là tốt, vỡ là lành, ngày là đêm…
Tiếp đến là Hệ thống lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, cũng như vòng đời người, cây trồng cũng có cả một quá trình sinh trưởng từ khi chọn đất, gieo hạt, đơm bông, kết trái và thu hoạch. Những lễ thức cũng cận kề trong suốt quá trình gieo trồng này của người dân, hòng cầu mong cho cây cối tươi tốt, không sâu bệnh, được mùa cho đời sống no đủ.
Bắt đầu từ lễ chọn đất; lễ phát rẫy; lễ tỉa lúa; lễ cúng lúa mới; lễ thu hoạch lúa; lễ mở cửa kho lúa… Trong hệ thống các lễ thức này, từ chọn đất đến thu hoạch lúa, quy mô thường nhỏ, lẻ ở phạm vi gia đình; còn lễ hội cúng lúa mới và lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn của cộng đồng. Đây là nghi thức đánh dấu sự kết thúc của một chu trình sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là sự mong muốn, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện và tinh thần cho công việc sản xuất của mùa sau. Chính vì lẽ đó nên cộng đồng dành cho lễ hội này sự quan tâm đặc biệt. Ở đó tập trung, chứa đựng, chuyên chở những giá trị văn hóa đặc sắc – văn  hóa tâm linh, văn  hóa xã hội, văn hóa nghệ thuật và những khuôn mẫu ứng xử xã hội – cộng đồng sâu sắc.
Cuối cùng là hệ thống Lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, đối với các tộc người  ở Kon Tum, cộng đồng Plei (làng) có một vị trí vô cùng quan trọng – gắn kết chặt chẽ, chi phối toàn bộ mọi mặt đời sống của con người. Mọi thành viên có trách nhiệm với cộng đồng và ngược lại cộng đồng chi phối mọi mặt đời sống của mỗi cá nhân riêng lẻ. Cá nhân bị đuổi khỏi cộng đồng là một hình phạt cao nhất – nặng hơn cái chết. Chính điều đó giải thích tại sao lễ hội cộng đồng là những lễ thức đặc biệt quan trọng.
Lễ hội cộng đồng chỉ được tổ chức khi có những sự kiện, những biến động to lớn ảnh hưởng đến sự hưng vong của cả cộng đồng như : Lễ
hội  mừng chiến thắng, lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng nước giọt, lễ hội mừng nhà rông mới … những lễ hội này thường có tục lệ dâng vật hiến sinh như đâm trâu, dê, heo, gà; các dân tộc thiểu số đều có lễ kiêng làng, nghi lễ  này được tổ chức khi có cháy nhà, bệnh dịch lớn làm chết nhiều người và gia súc, bị sét đánh, có người chết sông chết suối, tai nạn... Khi đó người ta rào làng – nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trước lễ người ta tắt hết lửa cũ trong bếp của các gia đình và để cộng đồng chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ hội.
Trần Vĩnh
Chiến thắng Măng Đen – Măng Buk – Kon Braih trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên (01-1954) – Góp phần đánh bại kế hoạch Át-lăng

I. Cục diện chung ở Kon Tum và cả nước
Sau khi giành chính quyền thắng lợi từ cuộc cách mạng  mùa thu năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Kon Tum hồ hởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Tỉnh uỷ lâm thời Kon Tum được thành lập đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân bắt tay ngay vào cuộc củng cố chính quyền cách mạng, củng cố thực lực chính trị, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Dưới sự lãnh đạo của Liên Khu uỷ V và Tỉnh uỷ lâm thời Kon Tum, những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào kháng chiến ở Kon Tum đã có những chuyển biến về nhiều mặt. Hệ thống tổ chức đảng, chính quyền được tăng cường, lực lượng vũ trang, nửa vũ trang được phát triển, cơ sở và phong trào kháng chiến phát triển trưởng thành, đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên dân tộc thiểu số được tăng thêm, đảm nhiệm vai trò kháng chiến ở địa phương. Đây là sức mạnh của Đảng bộ để đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên bước cao
II. Âm mưu của thực dân Pháp- Kế hoạch Át-lăng
1. Mặc dù thất bại nặng nề ở khắp các chiến trường trong cả nước và ở Nam Trung bộ, Bắc Tây Nguyên nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố, theo đuổi mục đích chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Ở Bắc Tây Nguyên, địch vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “Một quốc gia trong lòng các quốc gia”. Nhưng thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt hơn là chia rẽ các dân tộc, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, mua chuộc quần chúng, phát triển GUOM (viết tắt chữ Group unifié dé races opprimeés nghĩa là: Nhóm liên kết các dân tộc bị áp bức), tề, điệp, dồn dân, khủng bố đối với vùng du kích và căn cứ du kích. Phương châm của chúng là “Ăên chắc, lấn dần”. Về quân sự, địch đã tập trung những lực lượng ứng chiến nhỏ ở các tiểu khu Plei Ku, Kon Tum và các đội biệt kích xuyên sơn đánh phá vùng du kích, hành lang, kho tàng, uy hiếp quần chúng; xâm nhập các vùng căn cứ, vùng du kích để nắm tình hình, bắt cán bộ, đánh phá cơ sở. Lập lại tiểu đoàn ngụy quân nhằm tăng cường sức cơ động chống chiến tranh du kích đang phát triển mạnh ở khắp chiến trường Kon Tum. Về chính trị, địch tăng cường tuyên truyền nói xấu Việt Minh, nói xấu chính phủ, đề cao Bảo Đại, che đậy hành động xâm lược của thực dân Pháp. Dùng phim ảnh, hàng viện trợ tuyên truyền cho sức mạnh Mỹ; tổ chức gián điệp chui vào hàng ngũ kháng chiến, chia rẽ cán bộ và nhân dân hòng làm suy yếu kháng chiến.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của TW Đảng và chính phủ, trực tiếp là Liên Khu uỷ V và Bộ Tư lệnh quân khu V, ta đã nhanh chóng sắp xếp lực lượng, tăng cường cán bộ ổn định tổ chức, thống nhất chỉ đạo trên địa bàn.
2. Kế hoạch Át-lăng
Để thực hiện kế hoạch Át-lăng (bước 1 của kế hoạch NaVa), Bộ chỉ huy viễn chinh Pháp giao cho tên tướng Đơ Bô-pho (De Beaufort)- Tư lệnh quân khu Tây Nguyên chỉ huy.
Kế hoạch Át-lăng chia làm 3 bước:
-Bước 1: Dùng 22 tiểu đoàn đánh chiếm thị xã Tuy Hòa và toàn bộ Phú Yên bằng ba mũi: đổ bộ từ đường biển vào; từ Khánh Hoà đánh ra; từ Đăklăk đánh xuống.
-Bước 2: Đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định cũng trên 3 hướng: từ Phú Yên ra; Từ An Khê xuống và từ đổ bộ đường biển.
-Bước 3: Là bước quyết định, tập trung toàn bộ lực lượng cơ động tiến công xoá vùng tự do liên khu V, lấy thị xã Quãng Ngãi làm hợp điểm của 4 hướng tấn công: từ Quảng Nam đánh vào; Bình Định đánh ra; từ Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên.
III. Chủ trương của ta.
Âm mưu của địch tuy xảo quyệt và thâm độc, nhưng TW Đảng và Bộ Chính trị đã nắm bắt được tình hình, chủ động trong chỉ đạo chiến trường. Hơn nữa, phương hướng chiến lược được rút ra từ Hội nghị TW lần thứ 4 (01-1953) là chuẩn bị lực lượng ngày càng lớn, càng mạnh vào những cứ điểm của địch.
Đánh giá toàn bộ chiến trường Nam Trung bộ- Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng nhất. Từ 8 năm nay, do địa bàn chiến lược Tây Nguyên bị địch khống chế, nên căn cứ địa kháng chiến của ta dọc ven biển không có chỗ dưạ vững chắc, luôn ở trong tình thế bị uy hiếp cả bốn mặt.
Ta có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức bao vây đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị, từng cụm phòng thủ của địch, tiến công lên Tây Nguyên tiêu diệt địch, mở rộng khu căn cứ kháng chiến thì mới đánh lại âm mưu lấn chiếm vùng tự do của địch, đánh ngay vào khu vực bàn đạp của địch, phá ngay một mắt xích quan trọng của thế trận tiến công, buộc địch phải đối phó.
IV. Diễn biến chính của chiến dịch Bắc Tây Nguyên và chiến thắng Măng Đen - Măng Buk - Kon Braih.
Bắc Tây Nguyên, quân Pháp tổ chức thành 2 tiểu khu: Tiểu khu Kon Tum và tiểu khu Gia Lai. Ở  tiểu khu Kon Tum, ngoài thị xã ra, địch bố trí quân thành 2 cụm: cụm đường 14 từ Đăk Tô đi Đăk Glei, án ngữ phía Bắc. Cụm đường số 5 gồm các cứ điểm Kon Braih, Măng Đen, Măng Buk án ngữ hướng Đông, giành thế phòng thủ vững chắc cho Bắc Tây Nguyên.
Ngày 20-01-1954, thực hiện bước 1 kế hoạch Át-lăng, khi địch tấn công ra Phú Yên (với sự huy động 22 tiểu đoàn của bốn binh đoàn 10, 100, 41, 42), quân và dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đaklak đánh trả quyết liệt.
Ngày 26-01 ta bất ngờ nổ súng tấn công bắt đầu chiến dịch Bắc Tây Nguyên, các đơn vị trên hướng đường 19 - An Khê cùng một lúc tiêu diệt các cứ điểm KaTung, Ba Bả- Ka Tu và Bup Bê.
Đêm 27 rạng 28- 01, chủ lực ta trên hướng chính Đông Kon Tum, cùng lúc nổ súng tấn công 3 cứ điểm: Măng Đen, Măng Buk, Kon Braih. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go và quyết liệt, nhất là ở Măng Đen. Đây là cứ điểm kiên cố nhất, cái xương sống của cụm phòng thủ phía Đông Bắc Kon Tum, án ngữ cửa ngõ miền Tây Quãng Ngãi. Địch xây dựng ở Măng Đen thành căn cứ điểm kiên cố có công sự vững chắc.
Chiến thắng Măng Đen, Măng Buk, Kon Braih có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thắng lợi của toàn chiến dịch Bắc Tây Nguyên Đông - Xuân 1953-1954. Hệ thống phòng ngự của địch ở Đông Bắc tỉnh Kon Tum bị sụp đổ, cánh cửa tiến vào Bắc Tây Nguyên đã được mở. Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên bị dao động, kế hoạch Át-lăng có nguy cơ bị phá sản ngay từ bước 1.
Trận đầu quân và dân ta đã thắng lớn. Đó là thắng lợi của sự nỗ lực vượt bậc, hy sinh cao cả, mưu trí, linh hoạt, dũng cảm, sự lãnh đạo tài tình và sự phối hợp đồng bộ của toàn quân và nhân dân tỉnh Kon Tum, cũng như của toàn miền, toàn chiến dịch và nghệ thuật chỉ đạo quân sự. Chiến thắng này mở ra thời cơ thuận lợi  để tiến lên giải phóng thị xã Kon Tum và toàn tỉnh Kon Tum.
Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi, trong thư chúc mừng chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh QĐNDVN đã viết: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa  xuân này trên chiến trường toàn quốc”./.
H.X (tổng hợp)
Kon Tum – âm vang những chiến công
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội chủ lực Liên khu V chủ yếu là các đơn vị Nam tiến chi viện cho Nam bộ và Nam Trung bộ, cùng với đội du kích Ba Tơ, dần dần xây dựng nên các tiểu đoàn, trung đoàn; phương pháp tác chiến lúc này là phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương diệt địch trong từng trận đánh, hỗ trợ việc xây dựng cơ sở và làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh, hõ trợ cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Âm mưu của thực dân Pháp lúc này là đánh chiếm toàn bộ Tây Nguyên, biến Tây Nguyên thành xứ “Tây kỳ tự trị”, phá vỡ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Tây Nguyên, tiếp tục thực hiện chính sách “chia để trị”.

Năm 1946, thực dân Pháp  đánh chiếm Kon Tum, thời gian này ta gặp rất nhiều khó khăn, chính quyền còn non trẻ, lực lượng vũ trang còn yếu, phải tạm lùi về phía sau để xây dựng và phát triển, chỉ có một bộ phận nhỏ bám cơ sở để hoạt động. Trước tình hình đó, Khu uỷ đã tăng cường cho Bắc Tây Nguyên hai Trung đoàn 94 và 95, với nhiều cố gắng, ta đã xây dựng được căn cứ Mường Hoong với hơn 100 làng kháng chiến. Lúc này, với vị thế của mình, tỉnh Kon Tum phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh chung của toàn Liên khu. Trên địa bàn tỉnh, quân Pháp đánh mạnh vào cơ sở của ta. Chúng tìm mọi cách ngăn chặn, đẩy lùi các đội vũ trang tuyên truyền, ráo riết tổ chức mạng lưới điệp tề trong các buôn làng để chống phá cách mạng.
Tháng 5-1949, Hội nghị Quân sự Liên khu V lần thứ nhất xác định Tây Nguyên là chiến trường chính của Liên khu và chủ trương mở rộng mặt trận Tây Nguyên, tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm. Các đơn vị bộ đội chủ lực tiếp tục về địa phương làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, củng cố và phát triển lực lượng bán vũ trang, đẩy mạnh du kích chiến tranh, xây dựng làng kháng chiến. Công tác xây dựng cơ sở, bám đất giành dân phát triển thuận lợi, từ hơn 100 làng kháng chiến, đến lúc này khu căn cứ Mường Hoong đã có 700 làng.
Cuối năm 1950, quân ta thắng lớn trong chiến dịch Biên giới. Trên toàn chiến trường, quân Pháp ngày càng sa vào thế bị động đối phó, trong khi thế và lực lượng của ta ngày càng phát triển. Tháng 8 năm 1951, Trung đoàn 108 chủ lực liên khu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Kon Plông, Kon Prai, Đăk Tô, Đăk Glei, phá một số ổ vũ trang, bao vây uy hiếp và bức rút một số đồn bót khác. Tháng 4-1952 quân Pháp mở cuộc hành quân đánh vào khu vực đông Kon Tum- tây Quảng Ngãi nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và hỗ trợ cho phiến quân Sơn Hà ngóc đầu dậy, nhưng Trung đoàn 108 và 803 đã đánh bại cuộc hành quân, đập tan mọi âm mưu của giặc. Chiến thắng đó cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng Kon Tum, vùng du kích Bắc Tây Nguyên ngày càng được mở rộng.
Giữa tháng 12 năm 1953, kế hoạch tiến công lên Tây Nguyên được thông qua, hướng chính là bắc Kon Tum. Liên khu V sử dụng Trung đoàn 108, 803, Tiểu đoàn 30, liên đội đặc công và toàn bộ các đơn vị pháo cối, phòng không, phần lớn các đơn vị công binh, trinh sát và thông tin. Đêm 27, rạng ngày 28-1-1954, các đơn vị bộ đội đồng loạt nổ súng tiến công ba cứ điểm: Măng Đen, Măng Bút và Kon Prai. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt tại Măng Đen vì đây cứ điểm kiên cố nhất, mấu chốt của cụm phòng thủ đông bắc Kon Tum. Trong ngày 28-1 ta làm chủ ba cứ điểm trên, đến  ngày 7 -2 -1954, tỉnh Kon Tum hoàn toàn được giải phóng.
Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ có hiệu lực, Mỹ- nguỵ ra sức đánh chiếm “vùng cao nguyên trung phần có tính chiến lược” này. Địch tìm mọi cách tiêu diệt các cơ sở cách mạng của ta. Chúng bắt đầu đánh vào khu vực Đăk Tô, Đăk Pet, phong trào cách mạng gặp không ít khó khăn.
Năm 1959, phong trào cách mạng ở Kon Tum đã có bước phục hồi và phát triển, Liên khu uỷ đã chủ trương đưa một bộ phận bộ đội chủ lực của Liên khu phối hợp với quân dân địa phương tiến công tiêu diệt một số đồn bót ở Kon Tum và Gia Lai, trực tiếp hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kiềm, giành chính quyền. Tháng 1 năm 1960, Liên khu uỷ ra Nghị quyết “khẩn trương xây dựng Tây Nguyên và miền tây các tỉnh đồng bằng thành căn cứ địa vững chắc”. Tháng 10, đặc công liên khu phối hợp với các lực lượng vũ trang Kon Tum tiêu diệt đồn Măng Đen, Măng Bút, phong trào cách mạng sục sôi trong toàn tỉnh.
Trong năm 1961, Mỹ tiến hành chiến dịch Stalây-Taylo, Kon Tum trở thành trọng điểm đánh phá của địch nhằm chia cắt hành lang vận tải chiến lược 559, khoá chặt biên giới, xoá căn cứ cách mạng của Quân khu V. Trước tình hình đó, Quân khu dùng một phần bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang Kon Tum tiến công phá vỡ một số cụm cứ điểm của địch cắm sâu trong vùng căn cứ của ta, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng căn cứ miền núi, tạo điều kiện cho việc phá kiềm giành dân ở đồng bằng. Tháng 8 năm 1961, ta tiến công quận lỵ Đăk Hà rồi phát triển tiến công nhiều cứ điểm khác của địch, đòn tiến công của ta ở Kon Tum đã làm thông suốt tuyến vận tải chiến lược chạy qua Kon Tum-Gia Lai, mở rộng vùng căn cứ của Quân khu.
Đầu năm 1965, Quân khu V và Mặt trận Tây Nguyên mở cuộc tiến công quy mô lớn, trong đó tây Gia Lai và bắc Kon Tum là một trong ba hướng trọng điểm. Quân ta giải phóng phần lớn các làng dọc hai bên đường 14 từ Đăk Tô đi Đăk Pek và hai bên đường 18 từ Đăk Môn đi Plei Kần, vùng giải phóng được mở rộng về phía tây đường 14. Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tại Kon Tum, địch mở nhiều cuộc hành quân cỡ trung, lữ đoàn đánh vào căn cứ của ta ở phía bắc và phía tây thị xã Kon Tum nhằm gom dân lập ấp chiến lược, đôn quân bắt lính, phá kho tàng, phát hiện ngăn chặn và phá công tác chuẩn bị tiến công của ta, giải toả giao thông, lập thế phòng thủ mới của chúng. Phong trào cách mạng Kon Tum gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Trong các năm 1969 đến 1971, cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên chiến trường Kon Tum luôn diễn ra ác liệt.
Năm 1972, ta mở chiến dịch Đăk Tô- Tân Cảnh. Ngày 24-4,  Sư đoàn bộ binh 2 (Trung đoàn 1 và Trung đoàn 141) được tăng cường Trung đoàn bộ binh 66, Tiểu đoàn đặc công 37, một đại đội xe tăng và một bộ phận pháo binh, pháo phòng không cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công cứ điểm Đăk Tô- Tân Cảnh. Kết quả ta đánh quỵ sư đoàn 22 nguỵ, tiêu diệt gần 2000 quân địch, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe bọc thép, 8 khẩu pháo và gần 100 xe quân sự. Thừa thắng, quân ta tiếp tục đột phá vào thị xã Kon Tum, quân địch ở Kon Tum bị tổn thất nặng. Ta đã đập tan cứ điểm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất của địch ở bắc Tây Nguyên.
Đến tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên được bắt đầu sau các hoạt động nghi binh, thu hút địch lên hướng Plei Ku, Kon Tum. Mất Ban Mê Thuột, toàn bộ Tây Nguyên rung chuyển. Tại Kon Tum, các lực lượng vũ trang địa phương đã chủ động tiến công tiêu diệt địch, ngày 16-3-1975, tỉnh Kon Tum hoàn toàn giải phóng.
Có thể nói, trải qua hai cuộc kháng chiến, Kon Tum là một trong những chiến trường quan trọng của Tây Nguyên. Cũng qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, bộ đội chủ lực Quân khu V đã sát cánh cùng quân dân Kon Tum chiến đấu kiên cường, bất khuất với quân thù, giữ gìn buôn làng, giải phóng quê hương. Sự kiện ngày 16 tháng 3 năm 1975 đối với Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum là mốc son lịch sử, đánh dấu bước thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, gian khổ, đầy hy sinh mất mát nhưng vô cùng vẻ vang.
Dương Đức Nhuận
Ngục Kon Tum : biểu tượng cho lòng yêu nước, sức mạnh của mảnh đất và con người Kon Tum
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, với vị thế địa- chính trị, kinh tế quan trọng, Kon Tum trở thành địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên và cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hoà mình vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn gắn bó sắt son với cách mạng, tin và đi theo Đảng, Bác Hồ. Những di tích lịch sử cách mạng như: Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh... được lưu giữ đến ngày nay chính là minh chứng sống động cho lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của đất và người nơi đây trong hành trình vươn lên cùng đất nước

Đã 78 năm trôi qua kể từ ngày những chiến sĩ cách mạng của thời kỳ 1930-1931 ngã xuống, Kon Tum đang trên đà phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội nhưng hình ảnh những chiến sĩ trung kiên của Đảng vẫn sống mãi cùng di tích lịch sử Ngục Kon Tum.
Ngay sau khi thiết lập xong bộ máy cai trị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 1915-1917 thực dân Pháp đã xây dựng tại đây một nhà Lao có quy mô không lớn lắm và cũng không kiên cố nhưng lại là lò giết người tàn bạo nhất của thực dân Pháp ở nước ta thời kỳ 1930-1931. Từ năm 1930-1933, thực dân Pháp đã giam cầm đày ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa số đó đã phải nằm lại đây và dọc con đường 14. Đứng trước cái chết đang chờ đón, những người tù chính trị đã phải tìm cho mình một con đường sống. Dù họ biết rằng con đường sống đó cũng có thể trả giá bằng chính sự sống của bản thân cũng như của anh em đồng chí. Song họ hy vọng rằng “sau khi ta chết rồi, họa may mấy anh em mới còn phương sống”, như lời một người tù chính trị tâm sự trước khi bước vào cuộc đấu tranh.
Trong hoàn cảnh bị giam cầm, trong cảnh ngục tù, những người tù chính trị đã chuẩn bị cho mình một phương thức đấu tranh mà mình có thể thực hiện được. “Phản đối đi Đăk Pét”, “phản đối đánh đập, bắn giết tù chính trị”, “phản đối đi làm đường 14”, những khẩu hiệu đó luôn được tù chính trị hô vang mỗi khi đối mặt với súng đạn, với sự tàn bạo của kẻ thù. Để đàn áp cuộc đấu tranh của chính trị phạm phản đối đi làm đường Đăk Pét... ngày 12 tháng 12 năm 1931, thực dân Pháp đã chĩa súng, xả đạn vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tù chính trị biểu tình tuyệt thực đã 4-5 ngày đêm, không còn sức lực. Vì vậy, chỉ trong vòng mấy phút đồng hồ, trong số 40 người đã có 8 người bị chết, 8 người bị thương. Đó là tội ác hết sức dã man mà bọn cai ngục ở nơi đây - những kẻ đại diện cho chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp không thể biện hộ, thanh minh được.
Cuộc đấu tranh lưu huyết của những người tù chính trị tại ngục Kon Tum đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù; vẫn không ngừng học tập rèn luyện, trau dồi, nuôi dưỡng ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cộng sản; biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng. Cuộc đấu tranh lưu huyết đã chứng minh một chân lý: Sự hà khắc, dã man tàn bạo của kẻ thù chỉ có thể giam cầm, đày đoạ được thể xác chứ không thể dập tắt, giết chết ý chí cách mạng của những người cộng sản. Và, cũng tại nơi này, ngày 25-9-1930, đồng chí Ngô Đức Đệ triệu tập một cuộc họp bí mật tại phòng biệt giam của mình, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Kon Tum...
Ngày nay, Di tích lịch sử cách mạng Ngục Kon Tum mở cửa hàng ngày đón du khách. Từ đường Phan Đình Phùng, thị xã Kon Tum rẽ vào đường Trương Quang Trọng (con đường mang tên một tù chính trị đã hy sinh thay bạn trong cuộc đấu tranh Lưu huyết 12-12-1931) khoảng 800 m, Ngục Kon Tum hiện lên trang nghiêm trước mắt du khách với hàng xà cừ cao vút, biểu hiện sinh động cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng . Về với di tích lịch sử Ngục Kon Tum, chúng ta sẽ được tham quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đak Bla lộng gió. Chúng ta như được dẫn dắt về với quá khứ lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc để thấy được nghị lực phi thường của các chiến sĩ cách mạng khi bị thực dân Pháp giam cầm tại đây, đồng thời được sống lại những ngày tháng trọng đại của người dân Kon Tum khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh ra đời ngay trong ngục tù thực dân. Ngày nay, di tích Ngục Kon Tum đã trở thành nơi thăm viếng của nhân dân trong và ngoài nước khi đến với Kon Tum. Khu di tích cũng vinh dự được đón các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như: Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải... đến thăm.
Những sự kiện xảy ra tại mảnh đất Ngục Kon Tum lịch sử đã thấm thoát trôi qua 2/3 thế kỷ. Vậy mà mỗi khi thăm lại khu di tích, ta vẫn nghe âm vang trong lòng đất những tiếng hô đấu tranh bất khuất đòi tự do, độc lập của những người tù chính trị cộng sản thuở nào. Tổ quốc và những thế hệ con cháu mai sau mãi mãi ghi ơn những tấm gương bất khuất, kiên cường của các liệt sỹ, của các bậc tiền bối. Hơi ấm và nhiệt tình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các bậc tiền bối mãi mãi sưởi ấm và khích lệ chúng ta đi tiếp trên chặng đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong dòng lưu bút ghi lại cảm tưởng khi tới thăm Ngục Kon Tum, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã viết: “Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, anh dũng hy sinh của các đồng chí mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Phương Hằng. 
Người Xê Đăng ở vùng Bắc Tây Nguyên với phong trào Khởi nghĩa Tây Sơn
Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo bao gồm các cụm di tích: Luỹ An Khê, An Khê Đình, An Khê Trường, Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Miếu Xà, Sa khổng lồ, Hồ Bok Nhạc, Núi Hinh Hốt... Các di tích trên được phân bố trên địa bàn các huyện Kon Ch’ro, An Khê thuộc tỉnh Gia Lai, các di tích Vườn Cam, Vườn Mít Cô Hầu thuộc huyện K’Bang tỉnh Gia Lai và một phần huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum.

Tư liệu có trong hồ sơ khoa học Di tích Tây Sơn thượng đạo cho biết: Trong đoàn quân Tây Sơn trùng trùng tiến ra Bắc để lập chiến công Ngọc Hồi- Đống Đa chói lọi mùa xuân Kỷ Dậu (1789) có đến hơn 400 thớt voi và hàng ngàn chiến mã... cùng với một đội quân người dân tộc thiểu số Tây Nguyên dũng mãnh và thao lược.
 Để có được đội quân dũng mãnh thao lược ấy, anh em nhà Tây Sơn đã phải tốn nhiều công sức cũng như trí tuệ của mình. Những ngày đầu lên lập đồn trại ở Cửu An (1771), Nguyễn Nhạc đã giao du và kết duyên với một cô gái tên là Ya Đố, con một tù trưởng Ba Na giàu có. Chính người vợ thứ 3 này của Nguyễn Nhạc đã có nhiều công lao đối với sự lớn mạnh của nghĩa quân. Bước đầu có sự hỗ trợ của bà Ya Đố, ông Nhạc đã thu phục được những chiến binh người Ba Na, Gia Rai, H’rê... chỉ riêng người Xê Đăng là kiên quyết không theo. Qua nhiều lần cử người đến cầu thân, cuối cùng tù trưởng Xê Đăng là Bok Ki Hơm nói rằng: “Người Xê Đăng không theo ai, chỉ trừ người của Giàng (người nhà trời), nếu ông Nhạc gọi được bầy ngựa Nhà Trời trên núi Hinh Hốt thì người Xê Đăng mới tuân phục và theo ông làm nghiệp lớn.
Chuyện đến tai ông Nhạc, ông ngày đêm suy tính và cuối cùng đem việc đó bàn với người em là Nguyễn Huệ: “Phải thuần phục bầy ngựa để thu phục người Xê Đăng”.
 Nhận nhiệm vụ Nguyễn Nhạc giao phó, Nguyễn Huệ quyết tâm thuần phục bầy ngựa trên núi Hinh Hốt. Qua một thời gian tìm kiếm, ông đã có được một  con ngựa cái to thật đẹp, lông mượt như nhung, mắt long lanh như ngọc, bốn chân cao thẳng cùng với lọn đuôi dài chớm đất. Huệ cho nó ăn cỏ non, lúa mẩy có pha vào ít nước muối loãng và săn sóc thành thói quen cho nó. Con vật dần dần mến chủ ngày đêm quấn quýt không rời. Thời gian sau Huệ đem con ngựa nhà đã huấn luyện thuần phục thả vào núi Hinh Hốt. Bầy ngựa rừng bắt quen nhất là chú ngựa đực đầu đàn, ngày ngày chúng quấn quýt bên nhau. Những ngày đầu, hễ thấy bóng Huệ là bầy ngựa rừng biến mất. Những lúc đó, Huệ lại vuốt ve, săn sóc và bỏ cỏ  non cho ngựa của mình ăn. Để bầy ngựa rừng mau quen với hơi người, có khi ông còn bỏ lại chiếc áo của mình bên cạnh đống cỏ, bầy ngựa rừng bén hơi, sau đó chúng cũng đứng lại ăn cỏ với con ngựa cưng của Huệ và cũng quen dần với thói quen của con ngựa nhà. Hễ nghe tiếng hú của Huệ là tranh nhau chạy lại.
    Tin ông Huệ gọi được bầy ngựa nhà trời đã bay đến các buôn làng người Xê Đăng. Vị tù trưởng Xê Đăng chưa tin điều đó, một ngày nọ, họ đến tận nơi để nhìn cho rõ. Quả thật ông Huệ là người Nhà Trời, ông ấy đi tới đâu bầy ngựa đi theo đến đó. Họ về làng tập trung làm kiệu rước 3 anh em nhà Nguyễn Nhạc về làng mổ trâu ăn thề quyết theo Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Từ đó trong đội quân Tây Sơn của 3 anh em họ Nguyễn có rất nhiều chiến binh quả cảm người Xê Đăng, họ đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng vang dội mùa xuân Kỷ Dậu (1789).
    Hơn 200 năm đã trôi qua, người Xê Đăng không còn lưu trú quanh vùng núi Hinh Nốt nữa. Do biến động của lịch sử, họ đã dần dần chuyển cư lên vùng cực bắc Tây Nguyên thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum ngày nay. Tuy vậy, người dân vùng Tây Sơn thượng đạo vẫn luôn kể về những chiến công hiển hách của nghĩa quân Xê Đăng trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Hơn nữa những chiến công đó đã mãi mãi  ghi vào lịch sử của dân tộc, để mỗi mùa xuân về ta lại cùng ghi nhớ chiến công Ngọc Hồi- Đống Đa chói lọi./. 
Phan Thanh Bàng
Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh (25/9/1930-25/9/2008) ĐẢNG BỘ TỈNH KON TUM- những mốc son lịch sử.
Ngày 17.3.2006, tại Thông báo số 59–TB/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định lấy ngày 25.9.1930 – Ngày ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên tại tỉnh nhà là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những mốc son lịch sử trong quá trình hình thành và hoạt động của Đảng bộ tỉnh.

1. Sự ra đời của chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum (9-1930).
            Cuối tháng 9.1930, đồng chí Ngô Đức Đệ, quê ở Hà Tĩnh- đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng bị giam cầm tại Ngục Kon Tum, cùng với những người khác do đồng chí  giác ngộ và kết nạp vào Đảng như Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ bí mật thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum- còn được gọi là Chi bộ binh. Đến đầu năm 1931, một chi bộ Cộng sản nữa được thành lập là Chi bộ đường phố. Trong khi hai chi bộ đang họat động rất tích cực và đã bàn kế hoạch tiến tới thành lập Tỉnh ủy lâm thời thì một số đảng viên đứng đầu bị bắt. Thực dân Pháp dùng thủ đoạn ly gián làm cho các đảng viên trong Chi bộ binh bị phân tán, mất liên lạc, dần dần bị tan rã; Chi bộ đường phố cũng dần dần bị vô hiệu hóa. Sự ra đời và hoạt động của những chi bộ Cộng sản tuy chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn (trên 1 năm), nhưng có ảnh hưởng rất to lớn trong phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum, là cơ sở nền tảng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

           2.Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập, lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Sáng ngày 25.8.1945, cùng với khí thế cách mạng sôi sục của nhân dân cả nước, quần chúng nhân dân thị xã Kon Tum đã nổi dậy giành chính quyền. Vì yêu cầu cần thiết là phải có tổ chức Đảng để lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng vừa mới ra đời, cuối năm 1945, chi bộ Đảng ở Kon Tum được thành lập và thời gian sau thành lập thêm một chi bộ nữa. Tháng 2.1946, Tỉnh ủy Kon Tum lâm thời ra đời trên cơ sở các chi bộ Đảng đã thành lập cuối năm 1945. Giữa năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại tấn công xâm lược Kon Tum. Chúng lập tức thành lập lại bộ máy cai trị trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy lâm thời đã từng bước lãnh đạo xây dựng lực lượng về mọi mặt, phát triển chiến tranh du kích, tổ chức toàn dân kháng chiến. Ngày 14.2.1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, nối liền với vùng tự do Liên khu V.       3. Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Kon Tum (1954-1975).
      Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Tháng 3.1960, tại núi Ngọc Ang (thuộc dãy Ngọc Linh), làng Mô Gia (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ nhất đã diễn ra. Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Nỗ lực cao độ để chuyển tình hình cách mạng Kon Tum lên một bước mới, phối hợp chung với Tây Nguyên và toàn miền nổi dậy, tiến công địch, diệt ác, phá kèm, mở rộng quyền làm chủ, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc...” 

Tháng 10.1965, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II tổ chức tại làng Đăk Tơ Viếng, xã Măng Ri, H80 (nay là huyện Tu Mơ Rông) đã tổng kết mọi mặt công tác và sự lãnh đạo của Đảng bộ; đồng thời xác định chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ đánh bại “Chiến tranh cục bộ”; xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên tinh thần và ý chí cách mạng trong toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân, nỗ lực đánh Mỹ và thắng Mỹ. Tháng 11.1968, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III đã họp tại xã Đoàn (nay thuộc huyện Đăk Glei). Đại hội đã tổng kết những thành tích to lớn mà quân và dân trong tỉnh đã đạt được và nghiêm khắc kiểm điểm lại những hạn chế, thiếu sót, nhất là trong lãnh đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng trong thời gian tới. Tháng 11.1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV được tổ chức tại tại làng Kôxia, xã Ngọc Lây, H80 (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) đã tổng kết những thành tựu nổi bật và chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém của phong trào địa phương từ sau Đại hội III và đề ra quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Tháng 11.1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ V được tổ chức ở làng Đăk Rlâp, xã Đăk Pxy, H80 (nay thuộc huyện Đăk Hà) đã xác định nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ “Kiên quyết đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, kéo xúc dân của địch, giữ vững và mở rộng vùng ta, khẩn trương nỗ lực xây dựng, phát triển lực lượng của ta vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế (cả vùng ta và vùng địch còn tạm thời kiểm soát), chủ động giành thắng lợi trong mọi tình huống, chuyển lên thế tiến công tiêu diệt địch khi thời cơ đến”. Mùa xuân năm 1975, cùng với toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Kon Tum đã tấn công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng thị xã Kon Tum ngày 16.3.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
            4. Lãnh đạo nhân dân trong tỉnh cùng cả nước xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc và bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1975-1990).

Cuối năm 1975, Kon Tum và Gia Lai sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ mới, đó là: vừa khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đấu tranh chống âm mưu gây hấn, lấn chiếm biên giới, tấn công truy quét tàn quân FULRO và các thế lực phản động khác. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội của các kế hoạch 5 năm 1976-1980, 1981-1985 và đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng, giữ vững quốc phòng-an ninh. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời làm tốt công tác tư tưởng, củng cố niềm tin vững chắc trong toàn Đảng bộ và quân, dân tỉnh nhà, đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 1986-1990, bước đầu tạo bước chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong thời kỳ đầu cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới
 5. Lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng CNH,HĐH (1991-2008).
Tháng 8.1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại. Khi mới thành lập lại, điều kiện KT -XH của tỉnh thấp kém; đời sống nhân dân còn khó khăn nhiều mặt; đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Nhưng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Những Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa một cách sát hợp chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng vào tỉnh hình cụ thể của địa phương và đạt đựợc những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
            Tháng 12.2005, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đạt đựơc cũng như những mặt hạn chế, thiếu sót từ nhiệm kỳ Đại hội XII, xác định lợi thế và những khó khăn hiện tại, Đại hội đã đề ra quyết tâm cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thời gian tới là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường cải cách hành chính, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển và sớm thoát nghèo”...

                                                             Thành Hưng (tổng hợp)
Young be a sưu tầm và tổng hợp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook