Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Huyền thoại ngục Kon Tum


                                              Huyền thoại ngục Kon Tum

Một góc nhà ngục ở huyện ĐắcGlei (KonTum)
Trong ngày hè tháng 7 đoàn chúng tôi đã đặt chân trên mảnh đất Tây Nguyên. Điều kiện thiên nhiên ấm nồng đã hấp dẫn du khách, nhưng có lẽ đến được các chứng tích lịch sử, chúng ta mới cảm nhận được sức cuốn hút của các danh lam thắng cảnh, cùng những dấu son lịch sử oai hùng, trong đó không thể không nói đến ngục tù Kon Tum.
 
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, Kon Tum trở thành địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên và cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những di tích lịch sử cách mạng như: Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei... được lưu giữ đến ngày nay chính là minh chứng sống động cho lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh nội lực của đất và người nơi đây trong hành trình vươn lên cùng đất nước.
Đến với Kon Tum, không ai quên được một dòng sông rất lạ - dòng sông Đak Bla chảy ngược giữa lòng thị xã, như dải lụa hồng vắt ngang bộ ngực thanh xuân thiếu nữ về phía Tây, đổ ra Biển Hồ mênh mông rồi lại quay về Việt Nam qua hệ thống sông Cửu Long. Con sông "như một tiếng tù và thổi qua lòng xanh thị xã", đưa du khách ngược dòng thời gian trở về những năm tháng tranh đấu hào hùng, đầy máu và nước mắt của dân tộc nói chung, đất và người Kon Tum nói riêng. Đứng bên dòng sông đỏ nặng phù sa hiền hoà xuôi về phía mặt trời mọc, chúng ta như nghe văng vẳng bên tai tiếng hô vang của những chiến sĩ cách mạng trong cuộc "Đấu tranh Lưu huyết" và "Đấu tranh Tuyệt thực" tại Ngục Tù Kon Tum - nơi một thời giam cầm các nhà hoạt động cách mạng như: Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trịnh Quang Xuân, Võ Trọng Bành, Trương Quang Trọng, Ngô Đức Đệ... năm xưa vọng lại. Vùng đất ấy, hôm nay trở thành một vườn hoa tuyệt đẹp, điểm hội tụ truyền thống, khu di tích lịch sử hấp dẫn.
Từ đường Phan Đình Phùng, thị xã Kon Tum rẽ vào đường Trương Quang Trọng khoảng 800m, Ngục Kon Tum hiện lên trang nghiêm trước mắt du khách với hàng xà cừ cao vút, biểu hiện sinh động cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng. Về với di tích lịch sử Ngục Kon Tum, chúng ta sẽ được tham quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài "Bất khuất" và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đak Bla lộng gió.

Ngục KonTum
Ngục tù Kon Tum chính là nơi giam cầm những tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Thực dân Pháp đã bắt giam đầy ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa trong số đó đã phải nằm lại Ngục Kon Tum và dọc con đường 14. Đứng trước cái chết, những người tù chính trị đã phải tìm cho mình một con đường sống, biết rằng con đường sống đó cũng có thể trả giá bằng chính sự sống của bản thân cũng như của anh em đồng chí. Song, họ hy vọng rằng "sau khi ta chết rồi, hoạ may mấy anh em mới còn phương sống".
Ngày 12.12.1931, thực dân Pháp đã chĩa súng, xả đạn vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tù chính trị biểu tình tuyệt thực đã 4-5 ngày, không còn sức lực. Vì vậy, chỉ trong vòng mấy phút đồng hồ, trong số 40 người đã có 8 người bị chết, 8 người bị thương.
Không dừng lại ở đó, những năm tháng chiếm đóng ở Tây Nguyên, thực dân Pháp đã buộc những người tù khổ sai phải chặt cây, phá đá, làm đường để thực hiện ý đồ khai thác thuộc địa. Trong 6 tháng - từ tháng 12.1930 đến tháng 6.1931, đã có 170 người bỏ xác chốn rừng xanh. Cuộc "Đấu tranh lưu huyết" của những người tù chính trị tại ngục Kon Tum chính là sự phản kháng mãnh liệt chống lại bộ máy cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân. Tinh thần đấu tranh của tù chính trị đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù. Sự đàn áp dã man của kẻ thù không thể dập tắt được tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước của người dân Việt Nam .
Ngày nay, một khu quần thể di tích lịch sử Ngục tù Kon Tum đã được tu sửa, xây dựng khang trang và trở thành điểm hẹn truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam; và ngục tù Kon Tum cũng là sự tri ân của người đang sống với người đã khuất. Ngày 16.11.1988, Bộ Văn hóa-Thông tin ra Quyết định số 1288 công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia sớm nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Sự hy sinh anh dũng của những người chiến sỹ cách mạng nơi đây sẽ trường tồn cùng đất nước
 
Nhà ngục Kon Tum và sự ra đời của Chi bộ Binh
Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã lập ra hàng chục nhà tù lớn nhỏ, nhằm mục đích giam cầm, tra tấn, giết hại những người Việt Nam yêu nước. Đó là hệ thống các nhà tù: Côn Đảo, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột, Sơn La, Ngục Kon Tum... và rất nhiều các nhà giam khác ở khắp các địa phương trong cả nước.
 
Nhà ngục Kon Tum nằm trong hệ thống nhà ngục của Thực dân Pháp. Nhà ngục được xây dựng khoảng cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Ban đầu đây là nơi bọn thực dân cai trị giam giữ những tù thường phạm. Nhưng về sau, khi tù chính trị cộng sản bị đày lên giam cầm tại đây, tính chất nhà ngục đã thay đổi, trở thành nơi giam giữ, đày ải tù chính trị với những âm mưu và hành động thâm độc, tàn ác của chính quyền cai trị thực dân Pháp.
Thực dân Pháp hiểu rất rõ sự lợi hại của Nhà ngục Kon Tum, bởi tỉnh Kon Tum thời bấy giờ là nơi hoang vu, rừng thiêng, nước độc. Chọn Nhà ngục Kon Tum làm nơi giam cầm, đày ải tù chính trị cộng sản, thực dân Pháp sẽ đạt được nhiều mục tiêu trong việc cách ly tù chính trị cộng sản với phong trào cách mạng của các tỉnh vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam; mặt khác Ngục Kon Tum là nơi giam giữ các tù chính trị cộng sản để cung cấp lượng nhân công cho việc lao động khổ sai làm đường 14; và thâm độc nhất là với chế độ bạc đãi tù nhân bằng việc bắt tù chính trị lao động khổ sai, tra tấn, đánh đập..., cùng với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc, chúng sẽ thực hiện được âm mưu giết chết dần mòn tù chính trị mà không bị tai tiếng dư luận. Do vậy, Nhà ngục tuy quy mô không lớn và cũng không kiên cố, nhưng lại là nơi thực dân Pháp tiến hành âm mưu, thủ đoạn dã man nhất đối với tù chính trị.
Thực tế lịch sử chứng minh: Tại Ngục Kon Tum từ năm 1930 đến năm 1933, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa trong số đó đã phải gửi nắm xương tàn tại đây và dọc con đường 14, con đường của địa ngục trần gian. Chỉ tính riêng trong 6 tháng  mùa khô 1930-1931 (12-1930 đến tháng 5-1931), có 210 người trên tổng số 295 tù chính trị lúc đó đã bỏ mình trên công trường làm đường 14. Tại Nhà ngục Kon Tum đã xảy ra cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12-12-1931 và cuộc đấu tranh Tuyệt thực ngày 16-12-1931 vang động núi rừng Kon Tum, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước thời bấy giờ.
Nhà ngục Kon Tum, nơi địch đày ải giam cầm hàng trăm chiến sĩ cộng sản trung kiên, trong đó có nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, những đảng viên cốt cán của phong trào cách mạng lúc bấy giờ như các đồng chí: Lê Văn Hiến, Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Trương Quang Trọng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng... Những tấm gương kiên cường chiến đấu dũng cảm hy sinh của cách mạng đã có tác động rất to lớn đối với phong trào cách mạng ở Kon Tum những năm 1930-1934 và cả sau này. Bên cạnh đó, Ngục Kon Tum cũng là nơi hun đúc, rèn luyện để sau này cung cấp cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cách mạng tiền bối, những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí: Bùi San, Lê Văn Hiến, Ngô Đức Đệ, Hồ Tùng Mậu, Phạm Thể, Tôn Sỹ Khuê... đã có những cống hiến to lớn và quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại non sông.
Đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, Nhà ngục Kon Tum để lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng và đặc biệt. Sự kiện nổi bật, mang đậm dấu ấn lịch sử, là một mốc son, ghi dấu bước ngoặt đối với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đó là sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên mảnh đất Kon Tum, chính tại Ngục Kon Tum. Đó là sự ra đời của Chi bộ Binh – Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum.
Sự việc diễn ra vào tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp đưa Ngô Đức Đệ là tù chính trị cộng sản bị bắt ở Hà Tĩnh lên giam giữ tại nhà lao Kon Tum. Vì xem Ngô Đức Đệ là tù chính trị nguy hiểm nên địch bố trí giam Ngô Đức Đệ ngay sát phòng làm việc của cai đội Huỳnh Đăng Thơ để tiện giám sát, theo dõi. Nhưng sự việc lại diễn ra hoàn toàn trái với ý đồ của địch.
Huỳnh Đăng Thơ làm việc bên cạnh một tù chính trị cộng sản, qua giao tiếp hàng ngày, đội Thơ nhận thấy ở tù cộng sản Ngô Đức Đệ nhiều phẩm chất cao quý của một con người đạo đức, nghĩa khí, một lý tưởng cách mạng chân chính cao đẹp... đã đem lòng mến mộ. Ngược lại Ngô Đức Đệ nhận thấy ở Huỳnh Đăng Thơ – tuy là một cai tù nhưng hiền lành, thật thà, giàu tình cảm, có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nên đã cảm mến, kết nghĩa thân tình. Và giữa Huỳnh Đăng Thơ và Ngô Đức Đệ không còn khoảng cách giữa cai đội với người tù mà trở nên gắn bó thân thiết. Vốn sẵn lòng yêu nước, được Ngô Đức Đệ tuyên truyền vận động về Đảng, về cách mạng, Huỳnh Đăng Thơ đã giác ngộ và tình nguyện theo Đảng làm cách mạng. Sau một thời gian bồi dưỡng, thử thách, Ngô Đức Đệ đã kết nạp Huỳnh Đăng Thơ vào Đảng ngay tại Nhà ngục Kon Tum. Trở thành đảng viên cộng sản, Huỳnh Đăng Thơ cùng với Ngô Đức Đệ tiếp tục tuyên truyền vận động, bồi dưỡng thử thách, giúp đỡ và lần lượt kết nạp các cai đội: Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (Cai Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam .
Ngày 25-9-1930, tại Nhà ngục Kon Tum, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum ra đời, gồm các đồng chí: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ, do Ngô Đức Đệ làm bí thư. Đến tháng 12-1930, chi bộ phát triển thêm 10 đảng viên, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được bầu làm Bí thư chi bộ. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum ngay trong nhà lao của kẻ địch và việc các đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ là những cai đội trở thành đảng viên cộng sản là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Sự kiện này ghi nhận ánh  sáng cách mạng của Đảng đến với Kon Tum, một vùng đất xa xôi hẻo lánh, đồng thời còn là đòn giáng trả vào âm mưu và hành động thâm độc của kẻ địch.
Nét độc đáo, khác biệt của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời tại Kon Tum so với các địa phương khác là chi bộ Đảng ra đời ngay trong sào huyệt của kẻ thù, trong trại lính của nhà ngục kẻ thù. Thành phần chính của các đảng viên chi bộ vốn là những cai đội, phó quản, binh lính trong hàng ngũ địch giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Đây là một minh chứng cho sức sống cách mạng của Đảng luôn lan tỏa và thấm sâu đến mọi nơi, mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum còn thể hiện sự chủ động sáng tạo của Đảng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là dấy lên ngọn lửa cách mạng ngay chính trong lòng địch.
Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, Nhà ngục Kon Tum với sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên mãi luôn là dấu ấn lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum./

BAI VIET CUA A BE -TRUONG DAI HOC SU PHAM HUE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook