Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

NGHỆ THUẬT TẠO THỜI CƠ VÀ CHỚP THỜI CƠ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 CỦA ĐẢNG CSVN




NGHỆ THUẬT TẠO THỜI CƠ VÀ CHỚP THỜI CƠ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM  – 1945 CỦA ĐẢNG.

            Cách mạng tháng Tám – 1945 là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong toàn bộ lịch sử đấu tranh cách mạng để tự giải phóng của dân tộc Việt Nam. Nó đã kết thúc vẻ vang một quá trình vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời mở ra một quá trình vận động cách mạng mới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi về chiến lược và sách lược cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó đã đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, là đỉnh cao trong phong trào cách mạng thế giới.
            Cuộc cách mạng dân tộc và khởi nghĩa dân tộc năm 1945 là một cuộc cách mạng vô cùng nhân đạo, nhân văn cao cả, thể hiện một chủ nghĩa dân tộc sáng suốt. Đó là một cuộc cách mạng tập hợp được tuyệt đại bộ phận nhân dân cả nước, diễn ra nhanh chóng và ít đổ máu. Cách mạng tháng Tám thắng lợi là là do sự tác động, chuyển hóa, tổng hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng là một nhân tố vô cùng quan trọng. Cách mạng tháng Tám đã chọn đúng thời cơ, nắm bắt thời cơ và tận dụng những thuận lợi của thời cơ. Chỉ trong vòng hơn nữa tháng (từ 15.8 đến 2.9) cách mạng Việt Nam đã có bước ngoặt  quyết định, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra rất nhanh, rất mạnh và rất gọn. Nếu sớm hơn thời gian đó, khi phát xít Nhật chưa đầu hàng Đồng minh ; hoặc muộn hơn thời gian đó, khi quân Anh, quân Trung Hoa Dân quốc đã vào Đông Dương thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp khôn lường.
            Chọn đúng thời cơ khởi nghĩa là vấn đề vô cùng quan trọng vì khởi nghĩa vũ trang, một hình thức đặc biệt của đấu tranh vũ trang, chí thành công khi trước hết đã có thể “dựa và một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của cuộc cách mạng đang lên. Khi mà tính tích cực của các bộ phận tiên tiến trong nhân dân được biểu lộ cao hơn hết, khi mà những dao động trong hàng ngũ địch và trong hàng vũ những người bạn mềm yếu do dự và không kiên quyết của cách mạng biểu hiện ra mạnh hơn hết” [Lênin, Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa vũ trang]. Chọn đúng thời cơ khởi nghĩa còn hết sức quan trọng vì thời cơ đó có thể qua đi rất mau. Lênin trong buổi chiều ngày 24/10/1917 đã viết rõ “Rõ ràng hơn ban ngày là hiện nay nếu khởi nghĩa chậm thì thật là xuống hố… lịch sử sẽ không tha thứ cho các nhà cách mạng, nếu chậm trễ, họ có thể thắng ngày hôm nay (và nhất định sẽ thắng ngày hôm nay) nếu chậm đến ngày mai thì sẽ mất nhiều và có thể mất hết…”. Nắm vững lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin về khởi nghĩa vũ trang và nhận thức được sâu sắc quá trình phát triển của tình thế. Đảng đã sớm vạch ra được lúc nào xuất hiện thời cơ khởi nghĩa ở Việt Nam và đã biết trước thời cơ đó sẽ qua đi rất mau. Để có thể chọn đúng thời cơ, nắm bắt đúng thời cơ và tận dụng những thời cơ thì trước hết phải tạo được thời cơ, tạo thời cơ đó chính là quá trình xây dựng, chuẩn bị về đường lối, phương pháp và lực lượng cách mạng…
             Đó là yếu tố vật chất tạo nên thực lực của cách mạng, tạo nên sức mạnh vô địch giành thắng lợi trong giờ phút quyết định, thời cơ trong cách mạng tháng Tám không phải là một cơ may. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, đồng thời ban bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người, cướp của tại chổ để cung cấp cho chiến tranh đế quốc của chúng. Chiến tranh đã đặt đất nước ta trong tình hình mới. Chính sách vơ vét, cướp bóc và chính sách khủng bố phát xít của đế quốc trong chiến tranh đã đẩy mau tốc độ cách mạng hóa nhân dân, đẩy mau tình thế tới một thời điểm mà giai cấp thống trị không thể thống trị như cũ, và giai cấp bị trị cũng không thể sống như cũ được nữa. Chiến tranh đã đặt nhiệm vụ đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai thành nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt của cách mạng. Đấu tranh hợp pháp giành chính quyền dân chủ, dân sinh không còn khả năng mà cũng không phải là mục tiêu trực tiếp của cách mạng lúc ấy nữa. Đảng ta đã kịp thời chỉ thị cho các cơ quan và cán bộ hoạt động hợp pháp và nữa hợp pháp phải mau lẹ rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn và thành thị. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức, nhân cơ hội đó, cuối tháng 9/1940 phát xít Nhật đã xâm lược Đông Dương. Quân Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật, chúng quỳ gối mở cửa, đón phát xít Nhật vào cùng bóc lột, thống trị. Phát xít Nhật giữ nguyên bộ máy thống trị của thực dân Pháp, dùng nó để bóc lột kinh tế phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và đàn áp phong trào cách mạng. Việt Nam bị đặt dưới ách thống trị của Nhật – Pháp. Nhân dân Việt Nam anh dũng, bất khuất đã đứng dậy chống cả Nhật lẫn Pháp. Tháng 9/1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Tháng 11/1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kì, tháng 1/1941 nổ ra cuộc binh biến Đô Lương. Các cuộc khởi nghĩa nổi dậy đã thất bại vì điều kiện chưa chín muồi, nhưng “đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”. Thời kì toàn dân nổi dậy cầm vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và bán nước giành độc lập, tự do, thời kì những cuộc khởi nghĩa từng phần có thể nổ ra để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
            Mặc dù khách quan có nhiều thuận lợi nhưng tình thế cách mạng lúc đó cũng mới chỉ là tình thế cách mạng nói chung. Điều kiện chủ quan chưa cho phép tiến hành đấu tranh vũ trang ngay để giành lấy thắng lợi toàn bộ cho cách mạng mà còn phải trải qua một thời kì tổ chức và chuẩn bị chu đáo hơn.
            Trước những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, tháng 11 – 1940, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh). Hội nghị vạch rõ nguy cơ của các dân tộc Đông Dương bị một cổ hai tròng. Đông Dương bị hai bọn đế quốc Pháp – Nhật dày xéo. Hội nghị xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp – Nhật. Do đó, nhiệm vụ trước mắt của Đảng là lãnh đạo nhân dân Đông Dương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đánh đổ phát xít Pháp – Nhật giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn để xây dựng thành lực lượng vũ trang cách mạng…
            Tháng 5 – 1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pác Bó (Hà Quảng – Cao Bằng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Khi đó phát xít Đức sắp đánh Liên Xô, Hội nghị nhận định nếu Đức đánh Liên Xô thì chúng sẽ bị tiêu diệt, cách mạng nhiều nước sẽ thành công, một loạt nước XHCN sẽ ra đời. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, hội nghị cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng của dân tộc cần tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Pháp – Nhật, bởi vì : “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị xác định hình thái cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và kết luận : chuẩn bị khởi  nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn hiện tại. Căn cứ vào khởi nghĩa của Xô viết Nghệ Tĩnh và khởi nghĩa của các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, Hội nghị nhận định khi thời cơ đến “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Như vậy, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh chủ trương được đề ra từ Hội nghị Trung ương tháng 11 – 1939, nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc. Hội nghị vạch ra những phương hướng, biện pháp tập hợp lực lượng chống đế quốc trong một mặt trận dân tộc thống nhất là Việt Minh, qua con đường khởi nghĩa vũ trang từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Đây là những sáng kiến lớn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào cứu nước những năm 1940 – 1945. Tháng 12 – 1941, Trung ương Đảng ra thông cáo về “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” vạch rõ khi quân Đồng minh kéo vào đất nước ta với quá trình chuẩn bị lâu dài, dự đoán đúng chiến lược và kịp thời hành động khi có điều kiện khởi nghĩa xuất hiện. Khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương, Nhật buộc phải làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương.
            Đêm ngày 9/3/1945, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Pháp nổ ra, chưa đầy một ngày thì thực dân Pháp đã đầu hàng Nhật trên toàn cõi Đông Dương. Sau cuộc đảo chính Nhật, lực lượng tự vệ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đã phát triển mạnh mẽ, rộng rãi và hầu khắp trong toàn quốc, những căn cứ địa vũ trang hoàn bị đã được xây dựng, quảng đại quần chúng đã hướng về cách mạng, hình thái cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Vấn đề cấp thiết đặt ra cho cách mạng là biết chọn đúng thời cơ để khởi nghĩa toàn quốc. Do vậy, đang lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh). Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị nhận định : Cuộc đảo chính đã tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng những điều kiện tổng khởi nghĩa chưa chín muồi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Khẩu hiệu “Đánh đuổi Pháp – Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Hình thức đấu tranh được xác định là từ bất hợp tác, bãi công, bãi thị đến biểu tình, thị uy, vũ trang du kích và sẳn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Hội nghị đã quyết định phát động một “cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”. Trong lúc nhân dân ta gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa thì ở Bắc Kì và Bắc Trung Kì đã xảy ra nạn đói rất khủng khiếp, làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Đó là hậu quả thảm khốc nhất của chính sách cướp bóc và gây chiến của bọn Pháp – Nhật. Trước thực tế đó, Đảng đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của nông dân, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân, đẩy cao trào kháng Nhật cứu nước dâng khắp toàn quốc, lôi kéo đông đảo các tầng lớp, giai cấp tham gia, không khí khởi nghĩa sục sôi trong cả nước. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Sau khi đã tiêu diệt được phát xít Ý, Đức ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 9/8/1945, quân đội Xô viết mở màn chiến dịch tổng công kích đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc. Trưa ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa đã đến. Tin Nhật đầu hàng truyền đi khắp nước, đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong tất cả các tầng lớp nhân dân, đẩy phong trào cách mạng lên một đỉnh cao chưa từng thấy, các tầng lớp trung gian đã ngã hẳn hoàn toàn về phía cách mạng. Mặt trận Việt Minh đã thu hút hàng chục triệu hội viên đủ các tầng lớp, các dân tộc. Cao trào cứu nước đã lôi cuốn cả dân tộc vùng dậy. Triệu người như một cầm lấy tất cả những gì có thể làm vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và lũ bán nước giành quyền làm chủ dân tộc. Đảng Cộng sản Đông Dương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chiến tranh, tư tưởng và tổ chức cho cuộc khởi nghĩa. Những điều kiện chủ quan và khách quan cho cuộc Tổng khởi nghĩa ở nước ta đã hoàn toàn chín muồi. Thời cơ cách mạng “ngàn năm có một” đã đến. “Chúng ta không thể chậm trể”. Trách nhiệm lịch sử của Đảng lúc ấy là lãnh đạo nhân dân nắm chắc thời cơ chiến lược, nỗi dậy cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai, trước khi quân đội của đế quốc Anh và quân phản động Trung Hoa Dân quốc vào Đông Dương, trước khi thực dân Pháp kịp tập hợp lại tàn quân và đưa quân viễn chinh vào cướp lại nước ta lần nữa. Từ giữa tháng 8/1945 quân đội Anh đang trên đường hành quân gấp vào nước ta từ phía Nam, quân đội Trung Hoa Dân quốc cũng đang trên bước chạy mau vào nước ta từ phía Bắc. Một cuộc chạy đua nước rút lịch sử để giải quyết các vấn đề giành quyền làm chủ đất nước giữa nhân dân ta với các tập đoàn đế quốc và bọn phản động, đòi hỏi nhân dân ta phải mau chóng đoạt lấy thắng lợi trong cuộc chạy đua đó. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng (14 – 15/8/1945 tại Tân Trào, Sơn Dương – Tuyên Quang) và Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào (16 – 17/8/1945), Đảng Công sản Đông Dương và Bác Hồ đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước nỗi dậy giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào ta từ Bắc đến Nam đã đồng loạt vùng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa oanh liệt, giải phóng toàn bộ đất nước. Thời cơ cách mạng là chổ kết hợp những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi đảm bảo thắng lợi cho cách mạng. Trong vận động cách mạng, thời cơ xuất hiện như một yếu tố lịch sử, đưa quần chúng đến ngay ngưỡng cửa của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nhưng cũng có thể thời cơ trôi đi một cách nhanh chóng. Nếu ta không biết chớp ngay lấy nó mà hành động. Thời cơ của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nếu như cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra sớm hơn ngày 15/8/1945 khi mà Nhật chưa đầu hàng Đồng minh không điều kiện thì cách mạng sẽ gặp vô và khó khăn. Phát xít Nhật tuy suy yếu nhưng chúng còn đủ lực lượng để chống lại cách mạng một cách quyết liệt và như vậy cuộc khởi nghĩa chắc chắn sẽ không dễ dàng thành công trong cả nước một cách nhanh chóng. Mặt khác, nếu cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra muộn hơn khi quân Anh, quân Trung Hoa Dân quốc kéo vào nước ta, khi mà thực dân Pháp đã phục hồi lại lực lượng và viện binh của chúng từ Pháp sang xâm lược lại nước ta một lần nữa, và chính phủ bù nhìn Trần Trọng kim đã tiếp xúc được với bọn đế quốc thì thời cơ thuận lợi nhất cho tổng khởi nghĩa sẽ trôi qua. Chắc chắn ta sẽ hi sinh rất nhiều của, nhiều người. Khởi nghĩa là một nghệ thuật mà chổ tuyệt diệu của nghệ thuật đó là chọn đúng thời cơ, tập trung toàn lực, giáng những đòn quyết định vào kẻ thù. Bí quyết để chớp lấy thời cơ của Đảng ta là nắm vững những nguyên lí của Chủ nghĩa Mác – Lênin về thời cơ cách mạng, phải bám sát tình hình, nhạy bén trước thời cuộc, để dự kiến chính xác, biết phải làm gì? và làm như thế nào? Nhất là phải ra sức chuẩn bị thực lực từ trước để một khi thời cơ đến có thể tung ra mà giành lấy thắng lợi. Tuân theo những giáo huấn của Chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng đã dũng cản vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết lãnh đạo khởi nghĩa, không sợ gian khổ, hành động kịp thời. Lãnh đạo nhân dân nỗi dậy tước vũ khí của quân Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai, nhân dân ta đứng ở địa vị làm chủ đất nước mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là một đặc điểm sáng tạo của Đảng, của dân tộc ta. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, ăn may mà là kết quả tất yếu của sự chuẩn bị lâu dài, kĩ lưỡng của Đảng và nhân dân ta trong suốt 15 năm trên tất cả các mặt về đường lối, tổ chức, phương pháp,  về lực lượng cách mạng, thời cơ cách mạng, tập dượt cách mạng…. 
            Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngót chục thế kỉ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ.
            Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỉ nguyên mới của dân tộc : kỉ nguyên độc lập, tự do ; kỉ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc ; kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.
            Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, trở thành một Đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
            àThắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm suy yếu chúng, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng, “có ảnh hưởng trực tiếp và rất to lớn đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào”.

Young be a:
 

5 nhận xét:

  1. cảm ơn bạn về bài viết nhé, thế còn phần liên hệ với bản thân làm thế nào đây, tớ dốt môn này quá @@

    Trả lờiXóa
  2. CÁI ĐÓ THÌ BẠN PHẢI TỰ LIÊN HỆ VỚI BẢN THÂN THUI.VÍ DỤ:VỀ BÀI HỌC LẤY THỜI CƠ SO VỚI THỜI ĐẠI HÔM NAY THÌ CHÚNG TA CỐ GẮNG NẮM BẮT THỜI THẾ MÀ HÒA NHẬP NHANH VỚI THẾ GIỚI VỀ CÔNG NGHỆ,KINH TẾ,...LÀ THẾ HỆ HOM NAY THÌ CHÚNG TA PHẢI RÈN LUYENJ THÊM ĐỂ BẮT KỊP VỚI THẾ GIỚI,....

    Trả lờiXóa
  3. Hay va rat chinh xac rat cam onban...chuc banthanh cong trong nhiu linh vuc nua nhe....than...

    Trả lờiXóa
  4. SO VỚI KHI CÒN Ở DỰ BỊ NHÌN EM KHÁC THẬT ĐẤY. SẼ LÀM THẦY GIÁO DẠY LỊCH SỬ HẢ? CÓ TIỀM NĂNG ĐÓ.

    Trả lờiXóa

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook