Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

QUAN HỆ GIỮA THƯƠNG NHÂN HÀ LAN, TRUNG QUỐC VỚI NHẬT BẢN, VIỆT NAM TRƯỚC 1635 VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA CHO MỐI QUAN HỆ KINH TẾ NHẬT BẢN-VIỆT NAM SAU 1639



QUAN HỆ GIỮA THƯƠNG NHÂN HÀ LAN, TRUNG QUỐC VỚI NHẬT BẢN, VIỆT NAM TRƯỚC 1635 VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA CHO MỐI QUAN HỆ  KINH TẾ NHẬT BẢN-VIỆT NAM SAU 1639
1. Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc trước 1635.
            Là một quốc đảo tương đối biệt lập với lục địa Châu Á, nhưng trong tiến trình phát triển của lịch sử lâu dài, Nhật Bản luôn gắn bó chặt chẽ với môi trường lịch sử và văn hóa Đông Bắc Á. Bên cạnh những liên hệ về lịch sử và văn hóa, Nhật Bản cũng sớm thiết lập được quan hệ kinh tế với nhiều nước láng giềng trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Từ thời cổ đại, đặc biệt là vào thời kỳ Nara (710 – 794) và Heian (794 – 858) do có ý thức được trình độ phát triển và tầm vóc của văn minh Trung Hoa, triều đình Nhật Bản đã phái, cử nhiều đoàn sứ, các nhà sư, trí thức trẻ sang nhà Đường (618 – 907) học tập. Nhờ có tinh thần chủ động và tích cực đó, mà nhiều thành tựu văn hóa, thể chế chính trị cùng những tri thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất...đã được truyền tải vào Nhật Bản. Đến thời trung đại Kamakura (1185 – 1333) và Muromachi (1336 – 1583), nhiều đoàn thuyền buôn của những dòng họ lớn, cơ sở tôn giáo và thương nhân Nhật Bản đã đến các thương cảng Trung Quốc để giao lưu văn hóa và tiến hành hoạt động thương mại.
            Từ cuối thế kỷ XV trở đi, xã hội Nhật Bản luôn diễn ra những biến loạn chính trị và nội chiến, trật tự xã hội bị xáo trộn. Mạc phủ Muromachi, với tư cách là chính quyền trung ương đã không thể kiểm soát chặt chẽ đất nước được nữa. Nhân cơ hội đó, ở vùng duyên hải phía Tây Nhật Bản đã hình thành nhiều toán thậm chí là các đoàn cướp biển. Bọn cướp biển được tổ chức trang bị vũ khí và hoạt động rất táo bạo, không những trong phạm vi biển Nhật Bản (nihon kai) mà còn mở rộng địa bàn cướp phá ở cả khu vực biển phía Nam Trung Quốc và từng bước tiến xuống vùng biển Đông Nam Á. Nạn cướp biển đã thực sự trở thành mối hiểm họa, ngày càng cản trở các hoạt động thương mại hàng hải truyền thống và đe dọa nền an ninh của các quốc gia trong khu vực. Trước tình trạng các đoàn cướp biển ngày càng hoạt động công khai, được tổ chức với quy mô lớn, sau nhiều lần yêu cầu Nhật Bản cùng phối hợp tiểu trừ bọn hải tặc nhưng không đạt kết quả, nhà Minh (1368-1644) đã tỏ ra rất thận trọng trong quan hệ với Nhật Bản. Từ 1371, triều đình Nam Kinh (1368-1421) bắt đầu có chủ trương hạn chế quan hệ thương mại và cuối cùng vào 1557, Trung Quốc đã chính thức chấm dứt quan hệ với Nhật Bản. Mặc dù quan hệ giữa hai nước bị gián đoạn nhưng sự trao đổi hàng hóa vẫn được duy trì. Điều đặc biệt là mối quan hệ đó chủ yếu là được thực hiện dưới hai phương thức buôn bán phi chủ và quan hệ thương mại thông qua nước thứ ba.
            Trước hiện tượng các biện pháp của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngăn cản không cho thuyền buôn đi ra nước ngoài ngày càng không đem lại hiệu quả thiết thực, nhận rõ vai trò của kinh tế thương mại khu vực Đông Nam Á đối với sự phát triển kinh tế trong nước và để nắm bắt tình hình thế giới, từ năm 1567, Hà Lan bắt đầu nới lỏng chính sách hạn chế ngoại thương, cho phép hoa thương được giao lưu buôn bán. Chính quyền phong kiến Trung Hoa đã ra lệnh cho giới quan lại ở Phúc Kiến mở mở một số hoạt động thương mại với các nước vùng biển phía Tây (Đông Nam Á)  nhưng vẫn phong tỏa quan hệ với Nhật Bản.
            Bước sang thế kỷ XVII, mặc dù mối bang giao giữa chính quyền Êdo với nhà Minh chưa được khôi phục nhưng trao đổi hàng hóa giữa hai nước vẫn không ngừng được mở rộng. Hàng năm, có khoảng 30 thuyền buôn Trung Hoa (có khi lên đến 60 thuyền) từ các thương cảng Đông Nam Á và cả từ Trung Quốc đến Nhật Bản. Như vậy, mối quan hệ thương mại giữa hai nước từ chỗ chỉ hạn chế trong phạm vi buôn bán phi chủ đã dần trở thành một thực tế được chính quyền hai nước thừa nhận.
2. Quan hệ Nhật Bản- Hà Lan trước 1635.
            Sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các đoàn thuyền buôn và thuyền chiến Phương Tây trên vùng biển Châu Á đã tác động mạnh đến quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Hà Lan. Sau khi tìm được đường đến Ấn Độ vào năm 1498 và lập cứ điểm ở Goa vào năm 1510, Bồ Đào Nha đã sớm có kế hoạch xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Năm 1511, Bồ Đào Nha vào chiếm Malacca, một tiểu quốc chịu nhiều ảnh hưởng của Hồi Giáo. Cuộc xâm nhập đó, là sự kiện khởi đầu cho hàng loạt những hành động tranh giành ảnh hưởng cũng như xâm chiếm của các nước phương Tây đối với nhiều dân tộc Châu Á nói chung trong đó có Nhật Bản.
            Trên cơ sở những phát hiện mang tính đột phá của Bồ Đào Nha và sau đó là của Tây Ban Nha (1521 Tây Ban Nha phát hiện ra Philippin và 1582 đến Nhật Bản), các thương nhân phương Tây mà tiêu biểu là Hà Lan đã đến Đông Nam Á và đã lập nên các cơ sở ở Ban Tan và Batavia thuộc Java (Indonexia), đây thực sự là những cứ điểm mạnh nhất của Hà Lan ở phương Đông trong nhiều thế kỷ. Năm 1596, lần đầu tiên Hà Lan đến Ban Tan, sau sự kiện đó, nhiều công ty thương mại Hà Lan bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt đến việc thiết lập quan hệ buôn bán với các quốc gia Viễn Đông. Năm 1600, cùng với việc Tokugaoa Ieyoshi nắm được quyền lực thực tế ở Nhật Bản, tàu buôn Hà Lan đã đến Nhật Bản và hai năm sau công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) được thành lập. Năm 1609, tàu buôn của VOC đã đến trao đổi hàng hóa ở Hirado. Và cũng từ đó, Hà Lan là một trong những quốc gia vẫn có thể duy trì quan hệ thương mại liên tục với Nhật Bản trong điều kiện chính quyền Êdo (1600-1853) và kể cả dưới thời chính sách tỏa quốc (1639-1853).
            3. Mối quan hệ Việt Nam- Hà Lan trước 1635.
            Các bờ biển bán đảo Đông Dương đã được các nhà hàng hải Âu Châu biết đến từ thế kỷ XVI (riêng Đại Việt biết từ thế kỷ XIII với nhà du lịch người Ý tên là Macco Polo), nhưng đến đầu thế kỷ XVII thì người Âu Châu mới đến tiếp xúc một cách liên tục với người Việt.
            Những người Âu Châu đến đây đầu tiên là thương nhân và giáo sĩ. Thế kỷ XVII, các nước Châu Âu đang theo đuổi chủ nghĩa tư bản với sự phát triển kinh tế hàng hóa. Từ đầu thế kỷ, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại, với sự hùn vốn của tư nhân, được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là công ty Đông Ấn Độ. Thương nhân Hà Lan (của công ty Đông Ấn Hà Lan lập ở Amstecdam năm 1602) có mặt trên nhiều thương cảng ở Đông Á, lập thương quán trên quần đảo Nam Dương, lấy Batavia, tức Djakarta ngày nay làm trung tâm hoạt động .
            Như đã thấy, từ đầu thế kỷ XVII, Faifo là trung tâm thương mại của Đàng Trong (còn gọi là Cochinchina). Người Bồ Đào Nha đã lui tới thương cảng này thường xuyên  trước 1660, còn người Trung Hoa, Nhật Bản đã đến buôn bán ngay từ cuối thế kỷ XVI. Hàng năm, vào khoảng đầu năm âm lịch, sự buôn bán bắt đầu, người Việt đem đến sản vật trong xứ như tơ sống, gỗ quý, trầm hương, đường , gạo...vv. Còn các thương nhân phương Tây thì chở đồ sành, đồ sứ, giấy, bạc thỏi, binh khí, diêm sinh, lưu huỳnh...vv Các chúa thường mua sản vật của dân gian để trao đổi với thương nhân ngoại quốc, sự mua bán đó thường kéo dài trong 5, 6 tháng, xong các tàu ấy chở đồ đã đổi trở về.
            Trái với các thương nhân Hà Lan thuộc Công Ty Đông Ấn Độ của Hà Lan, các thương nhân Bồ Đào Nha hoạt động độc lập không phải tuân theo quy luật của một hội nào. Thương nhân Bồ cũng không chở hàng đến, các thương nhân bán hàng xong rồi đi, giao cho người đại diện mua sản vật để năm sau tàu đưa về. Bấy giờ người Bồ Đào Nha thù nghịch với Hà Lan, và tìm cách làm cho người Đàng Trong thù gét người nước ấy. Theo Christoforo Borri thì thương nhân Hà Lan đến buôn bán ở xứ Đàng Trong, người Bồ Đào Nha ở Malacca sai một sứ giả đến xin chúa Nguyễn đuổi họ. Sau đó lại sai một phái đoàn đến nói với chúa Nguyễn sẽ bảo vệ quyền lợi của chúa, xin chúa đề phòng người Hà Lan, tuy nhã nhặn nhưng xảo hoạt. Rằng họ sẽ xâm chiếm Nam Hà như họ đã làm Ấn Độ vậy. Nhưng Chúa Sãi khá sáng suốt, đã không theo ý kiến ấy, lại còn sai viết thư cho Công Ty Đông Hà Lan ở Ayuthai (Xiêm La) vời sang họ sang buôn bán ở nước mình nữa. “Năm 1633, Công Ty Hà Lan quyết định đến buôn bán ở Nam Hà. Năm 1636 đã có một thương điếm Hà Lan được thiết lập ở Quảng Nam” (Nguyễn Quang Ngọc).
            4. Mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trước 1635 thông qua vấn đề di dân của người Hoa đến Việt Nam.
            Trong lịch sử, do mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không đơn giản, cho nên vấn đề quan hệ kinh tế Việt Nam- Trung Quốc cũng có một quá trình tiếp biến liên tục và khó xác định, ở đây chúng tôi chỉ xác định quan hệ Việt Nam- Trung Quốc thông qua vấn đề di dân của người Hoa đến Việt Nam và những việc làm của họ trên đất Việt.
            Dân tộc Việt Nam ở Đông Nam Á dựng nước rất sớm, từ thế kỷ VII – II trước công nguyên đã hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, là nhà nước sơ khai đầu tiên hình thành trên đất Việt. Nhưng đời sống của dân tộc và hoạt động của nhà nước sơ khai đó như thế nào thì ngày nay chúng ta không được rõ lắm. Vì nước ta đã có những thời kỳ bị giặc ngoại xâm xâm lược liên tục trong hàng nghìn năm, không mấy thế kỷ là không có ngoại xâm và ngoại xâm ở đây lại là Trung Quốc. Chính vì vậy, chúng ta mới nói rằng: Trong lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc không đơn giản, nếu không nói là rất phức tạp. Vì vậy mà quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc được hình thành khi nào là rất khó xác định. Nhưng việc người Hoa có mặt trên đất Việt thì chúng ta có thể xác định được cụ thể. Theo Raymon J de Jeagher trong người Hoa tại Việt Nam đã viết: “Thật khó mà xác định được những người Hoa đầu tiên tới Việt Nam khi nào nhưng tối thiểu là từ hai ngàn năm nay rồi. Vào thế kỷ thứ hai TCN, một nhà cai trị người Hoa đã thiết lập vương quốc Nam Việt. Khi vương quốc này sụp đổ vào năm 111 TCN, vùng đất này trở thành 1 tỉnh của đất Trung Hoa. Tình trạng này kéo dài một ngàn năm” . Cũng theo Raymon J de Jeagher người Hoa tiếp tục di dân xuống phía Nam ngay cả khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 939, một nền độc lập được xác định liên tục, ngoại trừ một giai đoạn sống dưới quyền cai trị của người Trung Hoa trong những thập niên 1400.
            Trong cuốn người Hoa tại Việt Nam của Nguyễn Văn Huy có viết: “Vào thế kỷ thứ II TCN (năm 111) người Hoa nhà Hán đã sáp nhập Việt Nam (thời đó là Nam Việt) vào miền Nam Trung Hoa, đặt tên là Giao Chỉ bộ và cai trị hơn 1000 năm” ( Nguyễn Văn Huy, Người Hoa tại Việt Nam, Nxb NBC – USA, 1993, tr 19). Tình trạng bị đô hộ này kéo dài cho đến năm 938, khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và nước Việt được tự chủ dưới thời Ngô- Đinh- Tiền Lê- Lý. Đặc biệt sang đời Trần với ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên xâm lược, địa vị của Việt Nam được nâng lên do vậy bước sang thời kỳ nhà Minh đô hộ Việt Nam, do chính sách khuyến khích nền kinh tế hàng hóa phát triển, nhà Minh đã xây dựng hạm đội lớn để tìm kiếm thị trường buôn bán. Trong gần 30 năm với 62 chiến thuyền và 27000 lính, đoàn của Trịnh Hòa đã 8 lần vượt biển. Kết quả là Trịnh Hòa đã  khám phá và mở rộng thêm con đường giao lưu trên biển xuống vùng Đông Nam Á. Trong thời kỳ này, người Hoa đã tràn vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài những quan lại cai trị và binh lính, còn có những người sang Việt Nam chỉ vì mục đích kinh tế. Dựa vào thế lực nhà Minh, những người Hoa đã nắm giữ một số vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chẳng hạn ở Miền Bắc, họ mở các công xưởng khai thác Than và đồng, lập trang trại và buôn bán.
            Tuy nhiên, ở Việt Nam kể từ đầu công nguyên đến hết thế kỷ XVI, những dòng người Hoa di cư tuy diễn ra liên tục trong lịch sử nhưng cơ sở kinh tế của họ còn yếu, cho nên chưa đủ điều kiện để tạo thành những nhóm cộng đồng người Hoa riêng biệt, chủ yếu họ vẫn sang sống xen lẫn với cộng đồng dân cư sở tại. Nhưng sang thế kỷ XVIII, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển nên làn sóng di dân của người Hoa cũng khác trước. Từ đây người Hoa tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Một số vượt biên giới tràn vào miền núi phía Bắc, một số khác vượt biển tràn vào các thương cảng và đô thị như Kẻ Chợ, Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An và nhanh chóng tổ chức các hoạt động thương mại, kinh doanh.
Những hoạt động này là cơ sở của quá trình hình thành các khu phố của người Hoa, trong đó có thị tứ ở Faifo ở Hội An- Đà Nẵng. Đó là những khu phố thương mại đặt ở Việt Nam do người Hoa độc quyền buôn bán, trên cơ sở đó mà mối quan hệ Việt Nam- Trung Hoa dần phát triển.
            5. Yêu cầu đặt ra cho mối quan hệ kinh tế Nhật Bản - Việt Nam sau 1635.
            Trong lịch sử quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Đông Nam Á có ba thời kỳ phát triển thịnh đạt nhất: “Thời  kỳ thứ nhất là thời kỳ mậu dịch Châu Ấn Thuyền (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII), thời kỳ thứ hai là thời kỳ chiến tranh Thái Bình Dương (1941-1945) và thời kỳ thứ ba là quan hệ đối tác cùng phát triển (từ những năm 1990 trở đi)” . Điều đáng chú ý là cả hai thời kỳ đầu, dù hoàn cảnh lịch sử khác nhau, tính chất thương mại khác nhau nhưng Việt Nam vẫn là bạn hàng số 1 của Nhật Bản. Trong đó tiêu biểu nhất vẫn là thời kỳ thứ nhất, thời kỳ mà Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của thời kỳ “hoàng kim” giữa Nhật Bản - Đông Nam Á.
            Vì nhiều lí do khác nhau, từ năm 1639, chính quyền Êdo đã ban hành một loạt sắc lệnh gọi là chính sách Sakoku hay nói rõ hơn là đóng cửa đất nước (bế quan tỏa cảng). Theo đó, từ 1639 về sau không một người Nhật nào được ra nước ngoài, không một người nước ngoài theo đạo Gia Tô được vào Nhật Bản. Mọi việc ngoại thương cũng như ngoại giao đều phải tiến hành tại Nagasaki. Đến đây quan hệ Nhật Bản - Việt Nam bắt đầu đi vào bế tắc bởi nhiều lí do: về phía Nhật Bản thì do chính sách Sakoku, về phía Việt Nam thì do tình hình chính trị bất ổn giữa hai Đàng. Với truyền thống giao thương tốt đẹp giữa hai nước cộng với yêu cầu của chính quyền Êdo cũng như chính quyền Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà mối giao thương này không thể dừng lại được nhưng lại chịu ảnh hưởng của chính sách tỏa quốc nên để giải quyết sự bế tắc trong mối quan hệ Nhật Bản- Việt Nam từ sau 1635 là một vấn đề rất khó khăn.
            Chính trong hoàn cảnh này, đã nổi lên vai trò trung gian của các thương nhân Hà Lan và Trung Quốc bởi: về phía Nhật Bản, theo lệnh của shogun, người Hà Lan chuyển từ Hirado đến Nagasaki, ở đây cùng với người Trung Hoa, tiếp tục làm công việc xuất nhập khẩu. Về phía Việt Nam, thì nhờ có vị trí trung gian trên tuyến giao thương quốc tế nối liền khu vực  Đông Nam Á với Đông Bắc Á, thuyền buôn từ nhiều nước như Trung Quốc, Hà Lan, Indonexia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã ghé vào các thương cảng Việt Nam để trao đổi hàng hóa, tránh bão và lấy nước ngọt. Như vậy nhờ nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan mà từ sau năm 1639, tuy chịu ảnh hưởng của chính sách tỏa quốc Sakaku (1639) nhưng mối giao lưu Nhật Bản- Việt Nam vẫn được duy trì và người giữ vai trò trung gian quan trọng nhất trong mối quan hệ này không ai khác, chính là các thương nhân Hà Lan và Trung Hoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
A. Tài liệu tiếng Việt:
[1] Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, ủy ban đoàn kết công 
      giáo, TP Hồ Chí Minh, 1994.
 [2] Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII, XVIII, nhà xuất bản Thuận  Hóa, 1996.
[3]  Đại Nam thực lục tiền biên, quyển II, nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà
        Nội, 1962
[4]   D.G.E.Hall, Lịch sử Đông Nam Á. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
 [5] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn toàn tập, nhà xuất bản khoa học xã  hội.Hà Nội, 1977.
 [6] Nhiều tác giả, Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, nhà xuất bản trẻ, Hồ Chí Minh, 1999.
[7]  Nguyễn Văn Kim, Nhật Bản với Chấu Á những mỗi liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế xã hôi, nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
 [8]  Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV-
        XVI, nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2003.
 [9] Phan Khoang, Việt Sử xứ Đàng Trong, nhà xuất bản văn học, Hồ Chí Minh, 2001.
 [10] Đại Nam Thực Lục, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, 2002.
 [11] Li Tana, Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, nhà xuất bản trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999.
 [12] Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam- ban Đông Nam Á , Thư tịch cổ Việt Nam 
      viết về ĐNA (phần Việt Nam), Hà Nội, 1997.
 [13] Lưu Ngọc Trình, Kinh tế Nhật Bản những bước thăng trầm trong lịch sử, nhà xuất bản thống kê, Hà Nội, 1998.
 [14]  Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII đầu thế kỷ XIX, nhà xuất bản sử học, Hà Nội, 1961.
B. Tài liệu tiếng Anh:
[1] Robert Leroy Innes, The door aijar – Japan’s foreign trade in the seventeenth century, the university of michigam, 1980.
[2] William Dampier, Voyage and Discoveríe 1688, London, 1931.

                              Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh – Học viên cao học K XVIII Khoa Lịch Sử - Đại Học Sư Phạm Huế. Địa chỉ Gmail: Nguyenbeanh@gmail.com. Số điện thoại: 0985159957

Young Be A (A Bé -SV Khoa Lịch Sử -Trường ĐHSP Huế) sưu tầm:














           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook