Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Sự kết hợp chính trị - quân sự - ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước



Sự kết hợp chính trị - quân sự - ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày 21-7-1954, với việc các bên liên quan ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới – thời kỳ tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Tuy nhiên, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình chưa kết thúc vì đế quốc Mỹ, kẻ thế chân thực dân Pháp, “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Chính quyền Mỹ chủ trương phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, lôi kéo, thành lập chính quyền tay sai, áp đặt chế độ thực dân mới ở miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Trước tình hình mới đặt ra sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, thời gian đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đấu tranh thống nhất Việt Nam trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình và xác định đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ và phức tạp. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, huy động bộ máy quân đội, cảnh sát đàn áp, khủng bố, bắt bớ, giam cầm, giết hại hàng chục vạn cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước bằng các chiến dịch tố cộng đẫm máu, khốc liệt trên quy mô toàn miền Nam. Phong trào cách mạng miền Nam bị tổn thất lớn cả về cơ sở tổ chức và lực lượng. Đấu tranh chính trị, sử dụng các phương pháp hoà bình để thống nhất nước nhà tỏ ra không hiệu quả trước dã tâm tiêu diệt cách mạng miền Nam bằng vũ lực của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
Phong trào Đồng Khởi năm 1959-1960


Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), tháng 1-1959, đã họp và đi tới quyết định: dùng bạo lực cách mạng, cụ thể là dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Nghị quyết 15 của Đảng đã kịp thời đáp ứng được tình hình thực tế đang diễn ra ở miền Nam, đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng miền Nam, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của quân và dân miền Nam chống lại chính quyền độc tài, phát xít, tay sai Mỹ. Đấu tranh vũ trang từng bước được chú trọng, phát triển rộng khắp, đã hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân.
Nghị quyết 15 là cơ sở trực tiếp dẫn tới thắng lợi của phong trào Đồng khởi nổ ra đầu năm 1960 trên phạm vi toàn miền Nam. Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ tháng 7-1960 đã nhận định: “... Chúng ta chấp hành đúng đắn Nghị quyết của Trung ương Đảng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và kết hợp với hoạt động vũ trang, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, tình hình nông thôn Nam Bộ đã biến chuyển có lợi cho cách mạng. Khí thế quần chúng lên cao, tương quan lực lượng giữa ta và địch có những thay đổi quan trọng...”. Nghị quyết Hội nghị Xứ uỷ xác định: “Tích cực đẩy mạnh đấu tranh chính trị có kết hợp đấu tranh vũ trang đúng mức để tiếp tục phá thế kìm kẹp, giữ vững và mở rộng thế chủ động ở nông thôn, đồng thời phải hết sức chú trọng đẩy mạnh phong trào đô thị”.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi “đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự”.
Sau phong trào Đồng khởi, tình hình cách mạng miền Nam đã có sự chuyển biến quan trọng, từ thế giữ gìn lực lượng tiến lên thực hành chiến tranh cách mạng. Nhân dân ta từ thế bị kìm kẹp, bị khống chế và kiểm soát đã vùng lên thành một phong trào đấu tranh rộng lớn và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đã xuất hiện các cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn bằng mít tinh, biểu tình của nông dân, công nhân và các tầng lớp nhân dân, có sự liên kết với nhau từ tỉnh này đến tỉnh khác, từ thôn quê kéo vào các thị trấn, thị xã, thành phố.
Phong trào đấu tranh vừa hợp pháp vừa không hợp pháp, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, đã làm tan rã một mảng lớn chính quyền cơ sở thôn xã của địch ở Nam Bộ, Khu 5; đã tiêu diệt và làm tan rã hàng vạn tề nguỵ và lực lượng vũ trang của địch; phá các khu trù mật và khu dinh điền, giành lại một số lớn ruộng đất cho nông dân. Khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân lên cao. Các hình thái du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần xuất hiện, đã mở ra một cao trào cách mạng mới.
Nếu như trước phong trào Đồng khởi, Trung ương Đảng chủ trương sử dụng các lực lượng vũ trang tuyên truyền tới một mức nhất định để tự vệ và để phục vụ cho đấu tranh chính trị, lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, đấu tranh quân sự có vai trò hỗ trợ đấu tranh chính trị, thì sau Đồng khởi, Đảng cho rằng phải chuyển phương châm đấu tranh: đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự. Tuy nhiên, phương châm này vẫn phải căn cứ vào tình hình cụ thể ở các vùng nông thôn đồng bằng, thành thị và rừng núi, tuỳ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch để đề ra hình thức đấu tranh cho phù hợp.
Đối phó với chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, vấn đề xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng đấu tranh, xây dựng lực lượng vũ trang, tiêu diệt sinh lực địch, tiến hành công tác binh vận, củng cố và mở rộng căn cứ địa... được chú ý thực hiện.
Cũng trong thời kỳ 1961-1964, để phối hợp với đấu tranh chính trị, quân sự ở miền Nam, Đảng ta chủ trương mở một cuộc đấu tranh ngoại giao trên các diễn đàn của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới, Bộ Ngoại giao, các phương tiện thông tin báo chí... nhằm vạch trần và lên án âm mưu can thiệp mới của đế quốc Mỹ chuẩn bị đưa quân vào miền Nam và tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc. Đồng thời, Đảng ta cũng ra Nghị quyết nêu rõ quan điểm của Đảng về các vấn đề quốc tế, về sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế và trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, khẳng định thái độ xây dựng đoàn kết và quyết tâm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Những thắng lợi trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, buộc chúng phải thay đổi, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân chiến đấu Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Tuy nhiên, Đảng ta đã nhận định rằng: Mỹ đưa quân vào miền Nam trong tình thế bị động về chiến lược, khi mà nguỵ quân, nguỵ quyền đang đứng trước nguy cơ tan rã và sụp đổ hoàn toàn, còn cách mạng miền Nam đang ở thế tiến công mạnh mẽ cả về chính trị và quân sự. Từ năm 1959 đến cuối 1963 là thời kỳ tiến công địch chủ yếu bằng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đang từng bước được nâng lên về lực lượng và cách đánh, thì từ năm 1964 trở đi, đấu tranh quân sự ngày càng chiếm địa vị chủ yếu. Các trận Bình Giã, Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me... đã khẳng định rằng quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân Mỹ có ưu thế hơn hẳn về hoả lực, binh khí kỹ thuật và tính cơ động.
Việc Mỹ đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam, sử dụng lực lượng quân sự to lớn hòng tiêu diệt cách mạng miền Nam và các lực lượng vũ trang giải phóng, tất yếu ta phải sử dụng đấu tranh quân sự để giáng trả. Đảng ta cho rằng có tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quan trọng quân Mỹ, chỗ dựa chủ yếu và nòng cốt của quân đội Sài Gòn, vừa làm cho quân Mỹ không còn đủ sức bảo vệ quân đội và chính quyền tay sai, đồng thời chính là để tiêu diệt quân nguỵ, chỗ dựa tại chỗ của quân Mỹ. Dùng đòn quân sự để đánh bại quân Mỹ, quân nguỵ chính là nhằm làm thất bại mục đích chính trị của cuộc chiến tranh của địch, mới có thể giành thắng lợi trong toàn bộ cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, do so sánh lực lượng, Đảng ta không chủ trương đánh tiêu diệt đến tên lính Mỹ cuối cùng, buộc chúng đầu hàng không điều kiện, mà chủ trương đánh tan rã về cơ bản quân nguỵ đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ, đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải đàm phán theo những điều kiện ta đưa ra. Như thế, trong đấu tranh quân sự, chúng ta kết hợp cả đấu tranh ngoại giao, vừa đánh vừa đàm. Điều này phù hợp và gắn liền với đường lối chính trị, quân sự của Đảng đề ra.
Thực tế những năm quân và dân hai miền Nam, Bắc đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, ta đã đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966; 1966-1967 của Mỹ, đánh bại chủ trương chiến lược “tìm diệt”, rồi “quét-giữ”, hòng giành thế chủ động chiến trường của chúng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 giành được thắng lợi to lớn, đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho Mỹ phải thừa nhận không thể giành thắng lợi quân sự. Cộng với thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc, Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán với ta để tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của, mất lòng dân này.
Khi chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, Đảng ta khẳng định: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, đối với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, cuộc đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.
Thực tế cuộc kháng chiến cho thấy, quân và dân ta, từ sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhờ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hoạt động quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên trường quốc tế và trong lòng nước Mỹ, quân và dân ta đã từng bước giành được thắng lợi to lớn, buộc quân Mỹ phải xuống thang chiến tranh ở miền Nam, từng bước rút quân chiến đấu về nước, chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc...
Mặc dầu vậy, Mỹ vẫn triển khai thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” thay cho chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mở rộng chiến tranh xâm lược sang cả Cam-pu-chia và Lào. Bởi thế, yêu cầu đẩy mạnh cả ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi, càng trở nên cấp thiết. Trên chiến trường, năm 1971-1972 quân ta mở các đợt hoạt động quân sự mạnh mẽ, đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của quân Mỹ, quân nguỵ sang Cam-pu-chia, sang Nam Lào, tiến công địch ở Trị Thiên, Khu 5 và miền Đông Nam Bộ, đối phó có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ, đặc biệt là đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc cuối tháng 12-1972. Về chính trị, ngoại giao, ta đã đấu tranh và vạch trần âm mưu của Mỹ lôi kéo một số nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ta đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc kháng chiến chính nghĩa, hướng dư luận quốc tế vào lên án Mỹ âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh, sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược ném bom rải thảm xuống giữa thủ đô Hà Nội một cách tàn bạo, có tính huỷ diệt. Ta cũng lợi dụng năm 1972 là năm bầu cử tổng thống Mỹ để tranh thủ dư luận, gây sức ép buộc chính quyền Mỹ phải sớm ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Cơ chế và cục diện “vừa đánh vừa đàm”, được mở ra từ sau khi Hội nghị Pa-ri nhóm họp, chính là sự phản ánh sinh động phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đã phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, đã từng bước đánh thắng địch, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận thương lượng và ký kết theo những điều kiện của ta.
Mỹ đã thất bại trong mưu đồ đàm phán trên thế mạnh, không ép buộc được ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đặt ra mặc dù chúng có sức mạnh quân sự vượt trội. Chiến dịch ném bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng cũng không khuất phục được quân và dân ta. Vì thế, việc phải đặt bút ký vào Hiệp định Pa-ri, phải rút hết quân về nước, trong khi đó lực lượng bộ đội miền Bắc vẫn ở lại miền Nam sau khi hiệp định có hiệu lực, là một thất bại lớn của Mỹ, thể hiện một cách rõ rệt nhất thất bại của Mỹ trên chiến trường hai miền Nam, miền Bắc Việt Nam.
Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình là kết quả của một chặng đường lịch sử kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong đó đấu tranh ngoại giao đóng vai trò quan trọng cùng với đấu tranh quân sự, chính trị đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của kẻ thù, buộc Mỹ phả rút hết quân, tạo cơ sở vô cùng thuận lợi để quân và dân ta tiến lên đánh cho nguỵ nhào.
Trong giai đoạn sau khi ký Hiệp định Pa-ri, để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, Đảng ta vẫn khẳng định chỉ có thể bằng con đường sử dụng bạo lực cách mạng theo hai khả năng: hoặc là giành thắng lợi bằng một cao trào cách mạng của quần chúng hoặc là lại tiến hành chiến tranh cách mạng để tiến lên giành toàn thắng. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, họp từ 19-6 đến 6-7-1973 (đợt 1), cho rằng, tình hình cách mạng “có thể diễn ra dưới hình thức chuyển từ phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định lên thành một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong vùng địch còn kiểm soát... Đây là khả năng giành thắng lợi không phải thông qua con đường chiến tranh cách mạng mà chủ yếu bằng phong trào đấu tranh cách mạng, bằng hành động bạo lực của quần chúng, nhưng cũng phải trên cơ sở ta giữ vững và củng cố được thế quân sự của ta ngày càng mạnh, biết dùng sức mạnh quân sự của ta..., kết hợp chính trị với quân sự và ngoại giao để dằn địch lại, không để cho chúng mở rộng xung đột quân sự để gây lại chiến tranh”.
Báo cáo nhấn mạnh: “Việc vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sắc bén phương châm đấu tranh trong thời kỳ hiện nay là vấn đề rất quan trọng. Trong quá trình tiến lên của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới... thì phương châm đấu tranh của ta phải là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao; kết hợp ba mũi chính trị, quân sự và binh vận, nắm vững phương châm ba vùng, để giành dân và giành quyền làm chủ”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta ở miền Nam vừa tăng cường đấu tranh quân sự, chính trị, chống địch lấn chiếm, giành và giữ quyền làm chủ, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật chất mọi mặt, vừa kiên trì cuộc đấu tranh ngoại giao đòi chính quyền, quân đội Sài Gòn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri.
Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình so sánh, lực lượng trên chiến trường đã cho phép Đảng ta xác định: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ”.
Kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976 giải phóng miền Nam được chuẩn bị kỹ càng, bắt đầu bằng trận đánh điểm huyệt ngày 10-3-1975 làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, đã tạo nên tình thế chiến lược bất ngờ, mở ra khả năng đánh bại kẻ thù bằng kết hợp hai đòn tiến công và nổi dậy trong thời gian ngắn, giải phóng miền Nam.
Thực tế diễn biến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán trong sự chỉ đạo của Đảng trong việc động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đẩy mạnh đấu tranh quân sự chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, nên đã làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta. Điều đó đã dẫn đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 30 – 4 – 1975  lịch sử.
Young be a:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook