Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Vì sao nói “ Ruộng đất” là nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ phong trào nông dân?



Đối với bất kì một đất nước nào có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo thì ruộng đất trở thành vấn đề trung tâm cơ bản liên quan đến sự tồn vong của mỗi quốc gia, nhất là dưới thời phong kiến. Nguyên nhân thực sự của mọi cuộc khởi nghĩa nông dân đều có liên quan đến vấn đề ruộng đất, xuất phát từ những mâu thuẫn trong chế độ sở hữu ruộng đất.
      Trong xã hội phong kiến Việt Nam, ruộng đất thực sự là chỗ dựa của chế độ phong kiến, đặc biệt là ruộng đất công xã vì từ ruộng đất này cho phép nhà nước thực hiện chính sách tô thuế, phu phen, tạp dịch... Trong Chống Duy rinh Engel có viết: “trong suốt thời kì trung cổ, chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất là điều kiện tiên quyết để cho giai cấp quý tộc phong kiến có thể nắm được nông dân, là những người mà chúng có thể bắt đóng thuế và bắt đi phu dịch”.
      Trong quá trình đấu tranh, người nông dân đứng lên khởi nghĩa chưa hề đưa ra một cương lĩnh, khẩu nào về ruộng đất mà họ nói đến yêu cầu ruộng đất một cách gián tiếp nhưng vẫn liên quan đến giải quyết ruộng đất cho nông dân: thông qua quá trình khởi nghĩa, người nông dân đã hủy bỏ các tư liệu liên quan đến ruộng đất: giấy tờ cầm cố, mua bán, chuyển nhượng; các loại sổ sách…đòi nhà giàu chia tài sản cho nhà nghèo…Chính vì thế ruộng đất công là yếu tố chi phối,  trở thành nguyên nhân sâu xa chứ không phải nguyên nhân trực tiếp của các cuộc khởi nghĩa của nông dân hay nói cách khác nguyên nhân bùng nổ các cuộc khởi nghĩa nông dân chủ yếu là ruộng đất và nạn kiêm tính ruộng đất của địa chủ, quan lại dưới thời phong kiến Việt Nam. Nông dân khởi nghĩa chính là có ruộng đất để sản xuất, duy trì cuộc sống…Nó được thể hiện rõ trong phong trào nông dân Việt Nam dưới thời phong kiến:
      Trong triều đại Lí, Trần, Lê sơ các cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra chủ yếu diễn ra vào cuối mỗi triều đại. Khi chính quyền trung ương suy yếu, tầng lớp quý tộc, quan lại chỉ lo hưởng lạc, không quan tâm đến chức năng quản lí nhà nước, nền kinh tế nông nghiệp sa sút , thiên tai. Kế sách giữ nước “ khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ gốc bền” không còn được vận dụng một cách hiệu quả. Sức dân đã cùng kiệt bởi sự bóc lột của tầng lớp thống trị, bởi thiên tai, mất mùa, đói kém. Tất cả đã đẩy nông dân vào thế cùng cực. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự bùng nổ của phong trào nông dân, tiểu biểu là cuộc khởi nghĩa như: Thân Lợi, Lê Vãn, Phí Lãng...thời nhà Lý; khởi nghĩa Ngô Bệ (1344 – 1360), Tề (1354), Nguyễn Thanh (1379), Phạm Sư Ôn (1390), Phạm Nhữ Cái (1399),… thời Trần; khởi nghĩa Thân Duy Nhạc (2-1551), Trần Tuân (cuối 1551), Phùng Chương (1515), Trần Công Minh, Trần Cao (1516 - 1521)…thời Lê sơ, đây được coi là những cuộc khởi nghĩa lớn hế kỉ XVI…Sang thế kỉ XVII, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ít hơn và xuất hiện vào những năm cuối thế kỉ (1670,1676,1681,1683,1695).
      Tuy nhiên, dưới các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, ruộng đất công còn chiếm ưu thế nên sức ép của ruộng đất không lớn nên phong trào nông dân thời kì này diễn ra không hoàn toàn là do ruộng đất.
      Bước sang thế kỉ XVIII, sự chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ trở nên rất phổ biến và nghiêm trọng. Giai cấp thống trị không từ một thủ đoạn nào để chiếm ruộng đất tư của nông dân và ruộng đất công của làng xã. Ví dụ như nhà nước Lê –Trịnh đã lấy ruộng đất công làng xã để ban cấp cho quan lại, binh lính, đồng nghĩa với ruộng đất công bị thu hẹp và chia cho nông dân càng ít đi hoặc nông dân không có ruộng đất. Tuy chúa Trịnh có đề ra biện pháp giải quyết ruộng đất nhằm “quân bình giàu nghèo”,“chia đều thuế dịch” nhưng cũng không thực hiện được vì giai cấp địa chủ vẫn tiếp tục chấp chiếm ruộng đất. Điều này phản ánh sự bất lực của chính quyền Lê-Trịnh trong việc giải quyết ruộng đất. Ở Đàng Trong, các Chúa Nguyễn tiến hành mở mang bở cõi về phương Nam, gắn liền với quá trình Nam tiến là các công cuộc di dân, khai hoang khẩn hóa, ruộng đất được mở rộng khá nhiều. Tuy nhiên, cũng giống như Đàng Ngoài, từ thế kỉ XVII, tình hình chiếm ruộng đất đã diễn ra phổ biến, Sang thế kỉ XVIII, quan lại, địa chủ đua nhau chiếm đoạt ruộng tư của nông dân, ruộng đất công làng xã, cướp mất thành quả khẩn hoang của nông dân.
       Như vậy, thế kỉ XVIII, Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài nông dân rơi vào tình trạng có rất ít hoặc không có ruộng đất để cày cấy. Không có ruộng đất, họ phải tìm mọi cách để sinh sống như: thuê ruộng hoặc làm thuê cho địa chủ. Do vậy, họ càng bị lệ thuộc vào địa chủ và bị bóc lột nặng nề hơn khiến cho mâu thuẫn giữa nông dân không thể dung hòa, không còn lựa chọn nào khác người nông dân đứng lên khởi nghĩa mà nguyên nhân sâu xa xét cho cùng đưa đến phong trào nông dân bùng nổ là do vấn đề ruộng đất.
      Đến nửa đầu thế kỉ XIX, dưới triều Nguyễn đời sống nhân dân phải chịu nhiều khổ cực, vì nông dân thiếu ruộng đất để cày cấy bởi ruộng đất công làng xã trong cả nước đã bị thu hẹp rất nhiều. Phần lớn ruộng đất công trong các thế kỉ trước đó vốn đã thu hẹp nhưng nhà Nguyễn vấn tiến hành ban cấp ruộng đất cho quan lại, binh lính nên ruộng đất cấp cho nông dân rất ít ỏi. Giai đoạn này  ruộng đất công do nhà nước quản lí chỉ chiếm có hơn 17%, trong khi ruộng đất tư chiếm tới 82%, tình trạng này đã dẫn đến chính sách quân điền không có tác dụng đáng kể. Thời Minh Mạng, Vua cho thực hiện thí điểm quân cấp ruộng đất ở Bình Định làm cho ruộng đất công ở các vùng lân cận có nhiều ruộng hơn để chia thêm. Tuy nhiên thực tế biện pháp này của Minh Mạng cũng không đem lại hiệu quả. Ruộng đất phần lớn nằm trong tay đia chủ cường hào. Việc tập trung ruộng đất vào tay địa chủ đã đẩy nhanh quá trình bần cùng hóa của người nông dân, người nông dân không có tư liệu để sản xuất buộc họ phải đi tha phương cầu thực. Nhưng trong thực trạng đất nước lúc này đi đến đâu, họ cũng gặp tình cảnh giống như nơi mình sinh sống. Khi ruộng đất công không còn nhiều, áp lực về nguồn tài chính phục vụ sinh hoạt nhà nước buộc phải tính đến biện pháp tăng thế ( thuế đinh, thuế điền). Trong bối đó thuế là một trong những nguyên nhân trực tiếp đưa đến khởi nghĩa nông dân. Do đó, không còn lối thoát nào khác nông dân phải vùng lên đấu tranh chống lại triều Nguyễn trong suốt nửa đầu thế kỉ XIX.
      Đây là giai đoạn thể hiện rõ nhất sức ép ruộng đất được đẩy lên đến mức đỉnh cao, điều này lí giải tại sao phong trào nông dân nổ ra ngay từ khi vương triều Nguyễn mới thành lập và kéo dài liên tục cho đến suốt nửa đầu thế kỉ XIX, với tính chất liên tục, quyết liệt rộng khắp khác với thời kì trước. Ruộng đất trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ của phong trào nông dân như : Khởi nghĩa của Lê Văn Khống, Lê Đình An ( 1806,1807), Lê Hữu Tạo (1818); Vũ Đình Lục, Đặng Trần Siêu (1808-1824); tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Phan Bá Vành(1821-1827); Lê Duy Lương (1832); Ba Nhàn-Tiền Bột(1833-1843); Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi (1833-1835); mà thực tế giai đoạn này đã chứng minh và thể hiện rõ nét. Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 6(301) (1998)  của tác giả Bùi Qúy Lộ trong bài viết: “Vấn đề ruộng đất trong phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng ven biển Bắc Bộ dưới triều Nguyễn” đã khẳng định: “Nguyên nhân thực sự của mọi cuộc khởi nghĩa nông dân đều quan hệ mật thiết với vấn đề ruộng đất, đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong chế độ sở hữu ruộng đất”.
      Kết luận:
      Ruộng đất là nhu cầu bức thiết, thường xuyên của người nông dân, nó là nền tảng, cở sở để người nông dân duy trì cuộc sống của họ. Nguyên vọng tha thiết của người nông dân là có ruộng để cày cấy. Khi ruộng đất trở thành vấn đề nóng bỏng, diện tích ruộng đât công bị thu hẹp, làm cho chế độ quân điền bị phá sản, kinh tế tiểu nông bị phá hoại nghiêm trọng, người nông dân không đủ ruộng đất để cày cấy, khiến người nông dân bỏ ruộng đất để phiêu tán theo lãnh tụ khởi nghĩa. Nói đến ruộng đất và phong trào nông dân trong bài viết: “tác động của thiên tai bão lũ đối với các cuộc bạo động ở nông thôn Bắc Bộ dưới thời Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX”, tạp chí nghiên cứu lịch sử số 6(301)(1998) tác giả Đỗ Đức Hùng khẳng định: “Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa của các cuộc bạo động và khởi nghĩa của cư dân nông thôn suy cho cùng là vấn đề ruộng đất”.
      Vì vậy có thể nóiruộng đấtchính nguyên nhân sâu xa làm cho phong trào nông dân bùng nổ.
Young be a:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook