Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Quan hệ an ninh - chính trị giữa Nga với ASEAN giai đoạn 2001 – 2010


     
       Quan hệ an ninh - chính trị giữa Nga với ASEAN giai đoạn 2001 – 2010

  Cố vấn khoa học:   Th.s Đinh Thị Lan
Chủ nhiệm đề tài:    Ngô Văn Cường
                          Mai Thị Bình
                                Nguyễn Thị Huê
   Hơn hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, tình hình quốc tế và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, để thích ứng và phát triển trước hết những nước lớn đều điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình. Trong bối cảnh đó, quan hệ Nga – ASEAN có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu nhất là quan hệ hợp tác trên lĩnh vực an ninh - chính trị.  Hợp tác trên lĩnh vực an ninh chính trị Nga – ASEAN không chỉ tác động đến sự phát triển của mỗi nước mà còn tác động đến quan hệ quốc tế. Quan hệ an ninh – chính trị, Nga - ASEAN đã đạt được những thành tựu to lớn tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi hai bên phải có những chính sách đối ngoại phù hợp, đúng đắn để tăng cường sự hợp tác lên một tầm cao mới.
 1.  Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến việc thúc đẩy quan hệ Nga – ASEAN .
      Thế giới từ thập niên 90 của thế kỷ XX, đến nay có sự phát triển khá phức tạp đan xen giữa yếu tố tích cực và tiêu cực. Tình hình thế giới mới nói trên có ảnh hưởng và chi phối các mối quan hệ quốc tế.
      Chiến tranh lạnh kết thúc đã mở ra một chương mới trong quan hệ quốc tế, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất với sức mạnh vượt trội về chính trị, kinh tế, tài chính, quân sự, Mỹ muốn làm bá chủ và lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên sự nổi lên của các cường quốc mới như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… đã chống lại tham vọng của Mỹ. Như vậy, cục diện thế giới sau chiến tranh lạnh là trật tự “nhất siêu đa cường”. Cuộc đấu tranh cho trật tự thế giới “đa cực” mới hình thành một cục diện an ninh chính trị vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế và thúc đẩy lẫn nhau tạo cho mình một chỗ đứng trên bàn cờ quyền lực thế giới.
        Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như “vũ bão” thúc đẩy nhanh tốc độ quá trình toàn cầu hóa kinh tế và lan rộng khắp mọi mặt của đời sống quốc tế. Xu thế hòa bình, hợp tác trở thành xu thế chủ đạo chi phối quan hệ quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa tạo ra tình thế buộc các nước lớn phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhưng tránh đối đầu, xung đột và chiến tranh…Bên cạnh đó, xung đột khu vực tôn giáo sắc tộc, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, buôn người…đang đặt ra những thách thức lớn đối với tất cả các nước, tình hình đó đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để thích ứng với điều kiện mới. Điều này đã tác động sâu sắc đến quan hệ Nga – ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là quan hệ an ninh – chính trị.
1.2. Bối cảnh khu vực.
     Cùng với những biến động của tình hình quốc tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều thay đổi. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là một khu vực phát triển năng động tập trung các  nền  kinh tế nhất thế giới và sự hiện diện của các cường quốc lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ…các nước lớn đã điều chỉnh chính sách đối ngoại với khu vực Đông Nam Á nhằm nâng cao hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau nhằm đạt lợi ích dân tộc cao nhất. Trong đó, quan hệ hợp tác Nga và ASEAN về lĩnh vực an ninh – chính trị cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh ấy.
II.  Quan hệ an ninh - chính trị giữa Nga với ASEAN giai đoạn 2001 – 2010
        Hợp tác giữa Nga - ASEAN trên lĩnh vực an ninh - chính trị được hình thành khá sớm. Ngay từ Hội nghị ARF lần thứ nhất (tháng 7/1994), Nga đã tham gia với tư cách thành viên chính thức của diễn đàn, đưa ra sáng kiến xây dựng Cộng đồng an ninh. Từ tháng 7/1996 khi Nga trở thành một bên đối thoại đầy đủ của ASEAN, Nga thấm sâu hơn vào khu vực và đạt được các quy chế hợp tác bình đẳng như các nước Mỹ, Nhật Bản, EU… Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Panov cho biết: “Nga muốn dùng đối thoại này để thúc đẩy sự hợp tác đầy đủ giữa Nga và một cộng đồng các nước mà trong đầu thế kỷ tới sẽ trở thành một cực mới của sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới”. Sự hợp tác an ninh và chính trị Nga – ASEAN nhằm đảm bảo một khu vực hòa bình để phát triển kinh tế, chống nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia được tăng cường.
      Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ an ninh - chính trị, Nga - ASEAN phát triển sang một trang mới với những thành tựu khá đậm nét. Sự kiện ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã gây chấn động dư luận thế giới, làm thay đổi chiến lược đối ngoại của các nước trong quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động hình thành nên cục diện chính trị mới. Mỹ tấn công Apgasnixtan(2001), và cuộc chiến Irac (2003) cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn chịu sự chi phối của một siêu cường, khủng hoảng dầu lửa và an ninh chính trị trở thành vấn đề kinh tế, chính trị không của riêng ai. Các nước điều chỉnh chiến lược toàn cầu, quá trình này tác động sâu sắc đến quan hệ Nga - ASEAN, Nga tận dụng các cơ hội từ bên ngoài vươn để lên thế giới như tham gia Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, với mục tiêu trở thành cường quốc thế giới không chỉ bằng sức mạnh kinh tế mà về cả sức mạnh quân sự và chính trị, trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nga đã thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa, cân bằng giữa “Đông - Tây” đưa quan hệ Nga - ASEAN xích lại gần nhau hơn.
    Trong hoạt động đối thoại, lần đầu tiên trong lịch sử, Nga và ASEAN đã tiến hành các cuộc viếng thăm ngoại giao trên cương vị nguyên thủ quốc gia, các chuyến thăm qua lại lẫn nhau giữa Nga và các thành viên ASEAN cho thấy mối quan hệ này ngày càng trở nên gắn kết chặt chẽ, thể hiện chí hợp tác của hai bên. Trong hợp tác an ninh, chính trị giai đoạn từ năm 2001 đến 2010 giữa Nga và ASEAN ngày càng mở rộng và có sự phát triển vượt bậc.
     Quan hệ Nga – ASEAN đã đạt đến mốc mà Nga – ASEAN  đã cùng nhau tham gia vào Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (TAC). Sau Hội nghị Bộ trưởng Nga – ASEAN ngày 29/11/2004 tại Viêng Chăn. Như vậy, Nga đã trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân và thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thứ hai sau Trung Quốc ký TAC  với ASEAN, ông A.Panov – Thứ trưởng ngoại giao Nga khi nói về sự ủng hộ của Nga đối với Hiệp ước vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á đã nhấn mạnh “việc thành lập khu vực không có vũ khí hạt nhân (VKHN) là củng cố khái niệm hiệp ước không phổ biến  VKHN và Nga ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc này do đó Nga hoan nghênh việc ký kết ở Băng Cốc ngày 29/7/1996”. Sự tham gia của Nga vào hiệp định này góp phần tầm quan trọng của hiệp định – cơ sở giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các quan hệ giữa các nước trong khu vực [3,6].
      Bước tiến mang ý nghĩa chiến lược đánh dấu sự phát triển quan hệ an ninh – chính trị là Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ nhất được tổ chức, tại Kualar – Lumpua (Malaixia) ngày 13/12/2005. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và năng động, Chương trình Hợp tác và hành động Nga - ASEAN giai đoạn 2005 – 2015. Trong đó hai bên xác nhận: “Liên bang Nga và ASEAN bày tỏ quyết tâm chung mở rộng mối quan hệ đói thoại cùng có lợi trên tất cả các phương diện và ở mọi cấp độ” [1, 34]. Ngoại trưởng Malaysia là ông Syed Haimid Albar  đã rất hoan nghênh ý định của Nga muốn đóng vai trò lớn ở Đông Nam Á: “Tiềm năng là có sẵn và chúng ta có thể tiến tới việc thiết lập mối quan hệ mang tính thực chất hơn nữa giữa Nga và ASEAN” [1,34] và xác định các lĩnh vực ưu tiên như Hợp tác về an ninh, chính trị, Hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, Hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực chuyên ngành như hợp tác thương mại và đầu tư, công nghiệp, năng lượng... Hai bên cam kết củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đối thoại nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững, thịnh vượng và tiến bộ xã hội trên nguyên tắc bình đẳng, cùng chia sẽ trách nhiệm, thúc đẩy hơn nữa hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Sự kiện này là mốc son khẳng định tinh thần hợp tác bền chặt giữa Nga và ASEAN về các vấn đề an ninh - chính trị trong khu vực.
      Năm 2008 Diễn đàn an ninh khu vực ARF lần thứ 15 được tổ chức tại Singappo, các bên đối thoại đã đưa ra Tuyên bố Singapo nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập ARF, qua đó Nga và ASEAN cùng các bên đối thoại cam kết tiếp tục thúc đẩy ARF phát triển một cách có hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau [5].
   Ngày 22/7/2009, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 42 (AMM - 42) đã được tổ chức tại Phu Kiệt (Thái Lan). Diễn đàn khu vực ARF-16 đã diễn ra trong không khí AMM - 42 với sự tham gia của ASEAN và 17 bên đối tác trong đó có Nga. Tại Hội nghị, Nga và ASEAN đều đặc biệt quan tâm đến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, nhấn mạnh ARF cần tiếp tục hoạt động trên nguyên tắc cơ bản, đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực cùng chung lợi ích, nhấn mạnh đến tầm quan trọng và yêu cầu thúc đẩy thực hiện hiệu quả các biệp pháp liên quan đến việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực như: TAC, SEANWFZ. Nga và ASEAN đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn ARF, khẳng định ARF sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực. Thông qua các hội nghị của ARF từ năm 2006 đến năm 2009, quan hệ Nga - ASEAN ngày càng được thắt chặt và trở nên bền vững, sâu sắc hơn so với trước.
     Hội nghị cấp cao Nga - ASEAN lần thứ hai, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 30/10/2010 đánh dấu mốc son thứ hai của sự phát triển quan hệ Nga – ASEAN. Tại Hội nghị, tổng thống Nga D.Medvedev khẳng định “Nga tiếp tục tham gia tích cực vào các quá trình liên kết trong khu vực Đông Nam Á, cũng như thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương vơi các nước ASEAN” [1,36]. hai bên đều đánh giá cao sự hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa Nga và ASEAN. Vấn đề rất quan trọng là hai bên đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Nga - ASEAN lần thứ 2 cùng khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ lên tầm cao mới, toàn diện và thực chất hơn.
     Những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ Nga - ASEAN ngày càng được đẩy mạnh theo hướng tích cực, được thể hiện bằng các hiệp định hợp tác, các tuyên bố chung, cùng những cuộc tiếp xúc ngoại giao thể hiện tinh thần hợp tác chặt chẽ, tiến bộ, có được những chuyển biến tốt đẹp này là nhờ kết quả của những nổ lực không ngừng mà Nga và ASEAN thể hiện trong suốt  20 năm qua.
 III. Nhận xét.
1. Thành tựu.
     Tiến trình hợp tác quan hệ Nga - ASEAN chuyển biến theo “nấc thang”. Mỗi bước phát triển trong quan hệ hợp tác Nga - ASEAN đã tạo nên những giá trị mới, thiết lập nền tảng bền vững cho hợp tác trong tương lai. Trong quá trình hợp tác và phát triển quan hệ giữa Nga - ASEAN đã đạt  nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.
     Nếu nhìn lại quá khứ đầy gai góc, phức tạp của mối quan hệ thời kì chiến tranh lạnh. Quan hệ Nga - ASEAN hiện nay đang xóa tan những tư duy cũ, chứng minh cho xu thế hòa bình, hợp tác là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế.Trong quá trình hợp tác, Nga - ASEAN có những quan điểm tương đồng các vấn đề an ninh -  chính trị khu vực và thế giới. Hai bên mong muốn xây dựng  khu vực hòa bình, thịnh vượng thúc đẩy hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.
            Những năm  cuối cùng của thế kỉ XX sang đầu thế kỉ kỉ XXI, bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi mau lẹ đã tác động đến tiến trình hợp tác của hai chủ thể. Đặc biệt, những thay đổi từ nước Nga cùng sự lớn mạnh của ASEAN tạo nên những “cú hích” đột phá trong hợp tác.ASEAN đã trở thành “một cực” quan trọng trong khu vực đã điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thời kì lịch sử mới. Trong đối ngoại, ASEAN ngày càng trở nên hấp dẫn với các nước lớn khi trở thành khu vực có tốc độ kí kết và thiết lập các cơ chế đa phương và song phương nhiều nhất.
            Năm 2007 “Nga đã quay trở lại” tại Hội nghị an ninh thế giới tại Munich(Đức) Tổng thống V.Putin tuyên bố “Nga là cường quốc có địa vị ngang hàng với các cường quốc khác” và “Nga là đất nước hùng mạnh trên tất cả các mặt trận”. Là nước lớn, Nga phải thể hiện vai trò của mình thông qua năng lực hội nhập bằng việc tham gia kí kết nhiều hiệp ước song phương và đa phương một cách có hiệu quả.
            Như vậy lĩnh vực an ninh, chính trị vẫn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nga - ASEAN. Đối với Nga, ngày càng coi trọng quan hệ với ASEAN và đánh giá ASEAN là “một cực tập thể” quan trọng trong khu vực. Cựu bộ trưởng ngoại giao Nga E.Primacov đánh giá cao vai trò của ASEAN: “Tổ chức này không chỉ là cơ sở của quá trình đối thoại quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ngoài khu vực về các vấn đề chính trị và kinh tế đương đại”.
2. Triển vọng.
    Mặc dù quan hệ Nga – ASEAN còn nhiều hạn chế, nhưng triển vọng của hai bên rất lớn. Sau giai đoạn phát triển chậm chạp ở những năm cuối thế kỷ XX. Sang thế kỷ XXI, hai bên đã tạo nên những bước tiến tích cực. Thiết lập nền tảng làm bệ phóng cho lộ trình phát triển. Việc tuyên bố chương trình phát triển tổng hợp giai đoạn 2005 – 2015. Chứng tỏ hai bên đã xác định được mục tiêu phát triển dựa trên tiềm năng kinh nghiệm của Nga và xuất phát từ nhu cầu, thực lực của ASEAN. Nga – ASEAN tạo nên niềm tin, sự tin tưởng lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. ASEAN đánh giá cao những đóng góp và sang kiến của Nga trong các vấn đề an ninh – chính trị, Nga đề cao vai trò của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh – hòa bình của khu vực. Đặc biệt trên từng lĩnh vực an ninh - chính trị quan hệ Nga – ASEAN có triển vọng hợp tác to lớn.
      Thế giới luôn biến động và thay đổi do thảm họa con người và thiên nhiên đua lại. Vấn đề toàn cầu càng gay gắt đòi hỏi không chỉ Nga, ASEAN mà cả cộng đồng thế giới bắt tay nhau cùng giải quyết. Đồng thời, cục  diện thế giới sau chiến tranh lạnh ở thế “nhất siêu đa cường” vẫn còn tiếp diễn trong thời gian dài và luôn chứa đựng những bất trắc tiềm ẩn vì lợi ích riêng.
     Đối với Nga, mục tiêu xuyên suốt của Nga là trở thành một cường quốc có địa vị trên thế giới với sức mạnh toàn diện. Để đạt được mục tiêu Nga cần bảo đảm cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương sự ổn định và hòa bình. Vì thế Nga thúc đẩy tích cực mối quan hệ với ASEAN, tranh thủ diễn đàn để tác động đến quá trình xác lập đến cơ chế an ninh chung ở Châu Á – Thái Bình Dương, không gây phương hại đến lợi ích của Nga ở khu vực. Hơn nữa Nga đang mở rộng chiến lược hướng Đông để đối phó với sự mở rộng của EU và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…Khi các nước này ký kết Hiệp ước an ninh với Mỹ tạo nên vành đai bao vây Nga và Trung Quốc. Cho nên việc xác lập ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương trở thành mục tiêu chiến lược then chốt của Nga. ASEAN tuy không đóng vai trò ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga nhưng Nga không thể thiếu sự hợp tác trong việc thực hiện mục tiêu trên. Những năm đầu thế kỷ XXI, chiến lược đối ngoại của Nga với các đối tác được củng cố, đồng thời Nga cũng tham gia sâu hơn vào việc hợp tác đa phương và song phương.
            Đối với ASEAN, trong khi các cường quốc khác  tăng cường xâm nhập sâu hơn vào khu vực ASEAN thì Nga có vai trò quan trọng như một đối trọng với các cường quốc khác và ASEAN cần sự ủng hộ của Nga trong việc xây dựng ASEAN thành tổ chức trung lập.




Tài liệu tham khảo
    1. Nguyễn Thị Bình (2011), “Quan hệ an ninh - chính trị, quân sự của Nga với ASEAN giai đoạn 1991-210”, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP Huế.
    2. Nguyễn Thị Lý (2008), “Quan hệ Nga - ASEAN giai đoạn 1991 - 2006”, Luận văn Thạc Sỹ, ĐHSP Huế.
     3. Nguyễn Văn Tâm (2008) “Quan hệ Nga – ASEAN và vai trò cầu nối của Việt NamTạp chí những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6, tr 3-10
    4. Đặng Thanh Toán (2002), “Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga từ năm 1993 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu châu Âu, số 5.
    5. Nguyễn Quang Thuấn (2005) “Quan hệ Nga - ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI”, Nxb KHXH, Hà Nội.
Young Be A sưu tầm,chỉnh sữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét

Nguồn: Trang trí blog mùa giáng sinh với hiệu ứng tuyết rơi, ông già Noel và giàn chuông cực hot | Sử Minh Thành http://smthanh.blogspot.com/2012/12/trang-tri-blog-mua-giang-sinh-voi-hieu.html#ixzz2RLJerMpo Follow us: @suminhthanh on Twitter | smthanh on Facebook